Ngày 27/6, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường" lần thứ VIII với chủ đề "Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.
Từ thực tiễn đó cho thấy, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm "đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững"; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường" do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên và là địa chỉ để các bên liên quan cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực quan trọng, vấn đề "nóng" của ngành tài nguyên môi trường.
Qua mỗi kỳ tổ chức, Diễn đàn ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều nhà quản lý ở cả Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
"Tại Diễn đàn hôm nay, tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý của quý vị đại biểu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26" – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh và đề nghị mỗi đại biểu sẽ là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững.
Nối tiếp thành công của các Diễn đàn trước, Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường" lần thứ VIII với chủ đề "Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất" sẽ tập trung vào các vấn đề về phát triển xanh của doanh nghiệp: Trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; Thảo luận những hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, cũng như vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.
Diễn đàn bao gồm 2 phiên. Phiên tham luận: Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất . Mỗi ý kiến góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam từ thực tế đến chính sách cũng như vai trò của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại Phiên Toạ đàm: "Con đường đến đích xanh" các diễn giả tập trung thảo luận những tồn tại về chính sách, về điểm yếu của các doanh nghiệp và vai trò của báo chí truyền thông trong hành trình đến đích xanh của nền kinh tế.
Chia sẻ về hiện trạng kinh tế xanh ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2020, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt 6,7 tỷ đô, tương đương với 2% GDP. Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông – lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp và 17% từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đã giảm khoảng 10 – 12%/năm và hiện nay, quy mô ước đạt 4 – 4,5% trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế nâu vẫn tới 95% quy mô nền kinh tế.
"Việc chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, với công cụ là mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tập trung vào nền kinh tế xanh, mà còn chú trọng chuyển đổi từ nâu sang xanh. Chính vì vậy, đây được coi là mô hình điển hình trên thế giới để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Nguyễn Đình Thọ khẳng định.
Ông Thọ cũng nêu thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực xây dựng báo cáo ESG và báo cáo phát triển bền vững để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, cũng như các thị trường giá trị thương mại lớn khác. Khác với trước đây, rủi ro của doanh nghiệp có thể được xác định dựa trên lịch sử hoạt động của doanh nghiệp và tác động diễn ra từ từ. Hiện nay, doanh nghiệp có thể đột ngột bị loại khỏi thị trường nếu không tuân thủ theo quy định. Và như vậy, dòng xuất khẩu và đầu tư cũng sẽ dừng đột ngột.
Các tiêu chuẩn báo cáo phổ biến hiện nay là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Hai hệ thống tiêu chuẩn này còn đi kèm theo các báo cáo khác, như công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)... Đây là những bộ tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới và thực hiện.
Tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023-2025). Đây là một hành động thiết thực của giới báo chí đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp, cùng đến đích Xanh của nền kinh tế.
Thu Cúc