TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định điều này trên Thời báo Ngân hàng.
Theo ông, 2014 là năm đầu tiên trong rất nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt được chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong điều kiện có rất nhiều biến động bên ngoài (trong đó có cả những tác động không lường được trước như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, rồi những vấn đề xảy ra ở Ukraine và các nước Đông Âu cũ…) nhưng Chính phủ đã thành công trong việc đạt được các mục tiêu đặt ra.
Ông cho rằng kết quả này có được là do công tác dự báo tốt hơn, phân tích đánh giá tác động từ các vấn đề mới nảy sinh tốt hơn, kịp thời hơn; hoạch định và điều hành chính sách rõ ràng và kiên định hơn; điều hành về an sinh xã hội đã được cải thiện hơn so với 2013.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có những ứng xử phù hợp và kịp thời với các vụ việc xảy ra ở Hà Tĩnh và Bình Dương…
Đặc biệt, với nỗ lực tái cơ cấu, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Chính phủ đã cho các nhà đầu tư, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế thấy rõ đất nước chúng ta là đất nước có trách nhiệm với các nhà đầu tư. Niềm tin tăng lên, hình ảnh, độ tín nhiệm và thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong các đánh giá của tổ chức quốc tế.
Sẽ có bước đột phá để DN phát triển
Nhìn nhận về số DN ngừng hoạt động, phá sản, ông Kiên nói: Tiềm năng cho nền kinh tế phát triển với tốc độ cao hơn nữa vẫn còn nếu chúng ta xử lý tốt.
Ông Kiên hy vọng "với 7 luật liên quan đến vấn đề kinh tế, trong đó có Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… vừa được Quốc hội thông qua, năm 2015 chúng ta sẽ có tiếp bước đột phát để DN phát triển, kinh tế phát triển tốt hơn".
Ông cũng thẳng thắn nhận định, mức độ phục hồi vẫn thấp là do vẫn còn vướng ở khâu thực thi tại các cấp. Khoảng cách từ quyết tâm điều hành ở trên cao có giảm dần theo một vài cấp dưới.
Do vậy theo ông việc đầu tiên, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tự đổi mới được mình theo đúng tinh thần đổi mới, cải cách hành chính Nhà nước. Đổi mới theo phương án nâng cao hiệu quả đội ngũ công nhân viên chức làm việc trực tiếp, nhưng phải theo hướng dành khó khăn về phía cơ quan quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, không thể lặp lại tình trạng trước đây: Chính sách đưa ra sao thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn về cho DN.
Nhiều nguồn thu tiềm năng
Về vấn đề thu ngân sách 2015 trước những ảnh hưởng của giá dầu giảm, ông Kiên dẫn thông tin từ Bộ Tài chính: Thu ngân sách Nhà nước năm 2014 đã vượt kế hoạch. Trước đây trong cơ cấu thu ngân sách, thu từ dầu thô đóng góp khoảng từ 17% đến 20%, 25%, nhưng theo dự toán thu năm 2014 - 2015 thu từ dầu thô chỉ đóng góp từ 10-12%, còn 70% thu ngân sách là thu từ thuế nội địa – tức là thu từ sản xuất kinh doanh trong nước.
Theo ông, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ dầu nhưng cũng giúp làm giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Tăng sản lượng khai thác cũng là một cách nhưng đây là vấn đề rất mới, chưa thể đánh giá được phương án nào tốt nhất cho nền kinh tế mà cần thêm một thời gian nữa để có đủ dữ liệu. Giữ nguyên sản lượng khai thác đợi giá dầu thô hồi phục sớm thì ngân sách đỡ hụt thu.
Ông Kiên nhận định, chúng ta còn nhiều nguồn thu tiềm năng, đó là các ngành sản xuất. Chúng ta có thực lực nhưng chưa được đầu tư đúng và đủ để các ngành này tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng, bởi đây là nguồn sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn. Đơn cử như phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tiếp nữa, công nghiệp phải nhìn vào dệt may và da giày, rồi chế biến nông sản xuất khẩu... Năm 2014, các ngành này đã thu về 50 tỷ USD, chiếm gần 30% của tổng thu ngân sách. Nếu những ngành này tăng được giá trị gia tăng thì sẽ có được khoản khá lớn để bù đắp phần hụt thu từ dầu.
Theo TBNH