![]() |
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trình bày tham luận góp ý Dự thảo Luật Báo chí chuẩn bị trình Quốc hội. Ảnh: VGP/Phương Dy |
Yêu cầu cấp thiết
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Trọng Thi cho rằng: Việc sửa Luật Báo chí sát hơn với bối cảnh hội nhập và nhu cầu thực tiễn cuộc sống là yêu cầu cấp thiết.
Luật Báo chí được ban hành từ năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí hiện hành cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho quản lý lĩnh vực báo chí. Báo chí trong nước đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của CNTT, đặc biệt là xu hướng hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, Luật Báo chí hiện hành đã không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí trong nước, không bao quát được đầy đủ hoạt động thuộc lĩnh vực quan trọng này. Hơn nữa, qua thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều quy định của Luật Báo chí cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, dự thảo Luật Báo chí chuẩn bị trình Quốc hội sẽ tiếp thu “hơi thở” tích cực của xu hướng này. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Báo chí còn nhằm phù hợp với Hiến pháp mới. Theo Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua, quyền tự do báo chí được khẳng định là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ.
Ông Lượng cho biết, khi có ý kiến các chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội để cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 10 tới đây và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.
Phạt nặng “copy-paste”
Tại Hội nghị, GS. Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ ra sự phát triển ồ ạt của các thể loại, cơ quan báo chí, truyền thông trong thời gian qua. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hiện có hơn 80 trường đại học tư thục, đại học có vốn đầu tư nước ngoài và hàng chục viện, trường, trung tâm nghiên cứu ngoài công lập. Tất cả đều có nhu cầu ra tạp chí, tập san, kể cả trang web riêng.
Ngay cả khối các doanh nghiệp (DN) thì Công ty Phát triển và Đầu tư công nghệ (FPT) là DN tư nhân đầu tiên thành lập báo điện tử VNExpress từ năm 2001, trước khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN trực tiếp quản lý từ năm 2008.
Theo GS. Thuyết, hiện nay, ngay cả bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, hay các tổ chức xã hội… đều có trang thông tin điện tử riêng. Chưa kể rất nhiều trang mạng cá nhân như blog, fanpage, facebook cá nhân trên Internet… đăng tin đủ các nguồn khác nhau không khác gì một tờ báo điện tử. Tuy thông tin trên các trang mạng dù phong phú, sốt dẻo hơn báo chí, nhưng lại không hiếm tin bài có nội dung vi phạm pháp luật, bịa đặt thông tin, moi móc đời tư, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, xâm phạm bản quyền…
Để điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin tổng hợp, hay các trang mạng nói trên, GS. Thuyết và nhiều chuyên gia khác cho rằng nên có chế tài mạnh tay nhất.
GS. Thuyết gợi ý, không cần thiết ban hành thêm đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động của các trang mạng tổng hợp, trang mạng cá nhân, mà căn cứ trên các luật hiện hành, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ… để xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm luôn loại hình trang thông tin điện tử tổng hợp để tránh gây thiệt hại cho hoạt động báo chí trong nước, vốn đang có xu hướng sụt giảm phát hành báo in, sụt lượng truy cập trên báo điện tử…
PGS. TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) đồng ý với GS. Nguyễn Minh Thuyết về việc siết hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Đồng thời cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm các hiện tượng “copy-paste” vì hiện tượng này vi phạm sở hữu trí tuệ. “Tôi cho rằng dự thảo luật cần phải rõ hơn, quy định chặt chẽ điều kiện được hành nghề của nhà báo; quyền và nghĩa vụ của nhà báo; thẻ nhà báo; điều kiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi thẻ nhà báo…”, PGS.TS Đoàn Năng lưu ý thêm.
Một số ý kiến cũng đề nghị phải kiểm tra sát sao hiện tượng phóng viên, nhà báo giả mạo, lừa đảo tại một số địa phương thời gian qua, gây mất uy tín cơ quan chủ quản, cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào báo chí. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, dự thảo luật đang soạn thảo quy định trưởng, phó văn phòng đại diện bắt buộc phải có thẻ nhà báo; phóng viên thường trú làm việc độc lập tại các địa phương phải có thẻ nhà báo. Đồng thời, luật mới cũng sẽ phân định rõ người chịu trách nhiệm nội dung để khi xảy ra sai phạm thì cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xử lý.
Báo chí cũng phải cải chính ngay trên báo nếu cơ quan, tổ chức trình được bằng chứng có sai sót, vi phạm… “Thời gian qua, có vụ việc phát hiện báo chí đăng tải sai quy định pháp luật sau 2-3 năm, sau đó mới thực hiện cải chính. Nhưng dự thảo mới quy định cụ thể là khi phát hiện báo chí đăng thông tin sai thì cơ quan báo chí đó phải tự đăng thông tin phản hồi cải chính, không chờ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Lượng cho biết thêm.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Điều 7 của dự thảo luật quy định về việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác có khả năng sẽ khiến tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và chi phí xã hội. Nên chăng nghiên cứu theo mô hình “doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện” để trên cơ sở này Chính phủ sẽ xác định lộ trình để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức sắp xếp lại cơ quan báo chí của mình phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng của nền kinh tế”. |