In bài viết

Chuyên gia lý giải cơ chế động đất và sóng thần ở Nhật Bản

(Chinhphu.vn) – GS Takahashi Tomoyuki, chuyên gia về thảm hoạ nước (trong đó có sóng thần), Khoa Khoa học an toàn, Trường Đại học Kansai đã lý giải cơ chế của thảm họa và thiệt hại do nó gây nên.

13/03/2011 18:51

Xe hơi bị sóng thần đẩy lên mái nhà ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagai hôm 11/3. Ảnh: AP.

Trả lời NHK về những vấn đề liên quan đến thảm họa, GS Takahashi Tomoyuki  nói, tâm chấn của trận động đất này nằm ở vùng tiếp giáp giữa mảng kiến tạo Thái Bình Dương và mảng kiến tạo Bắc Mỹ, chính là nơi có lục địa Nhật Bản.

Vùng tiếp giáp giữa 2 mảng kiến tạo trải dài từ Bắc tới Nam, dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. "Chúng tôi đã nghĩ rằng mảng kiến tạo sẽ đứt gẫy ở một điểm nào đó ngoài khơi tỉnh Miyagi", ông nói.

Thực tế, trong trận động đất hôm thứ Sáu 11/3, đã xuất hiện 1 điểm đứt gãy ở khu vực trên, và tiếp theo đó các điểm đứt gãy khác cùng xuất hiện trên một đoạn dài tới hàng trăm km. Khi có đứt gãy, đáy biển sẽ bị biến dạng và gây biến đổi mực nước biển. Khi đứt gãy xảy ra trên diện rộng, sẽ làm dịch chuyển một lượng lớn nước biển.

Trong trận động đất vừa qua, chính lượng năng lượng lớn được sinh ra do sự biến đổi của mực nước biển đã gây ra các đợt sóng thần kinh hoàng tàn phá khu vực ven biển.

Vết đứt gãy sẽ khiến cho mực nước biển dâng lên và hạ xuống. Tuy nhiên sau đó, mực nước biển sẽ trở lại cân bằng, gây ra dao động khiến sóng thần xảy ra liên tục. Người ta tin rằng các đợt dư chấn mạnh cũng gây ra sóng thần.

Đó là lý do tại sao các đợt sóng thần xảy ra liên tiếp trong khu vực này trong suốt một khoảng thời gian dài.

Theo GS Takahashi Tomoyuki, một lý do khác có thể là vì khu vực này có rất nhiều sông. Do nước có thể dễ dàng chảy vào sông nên sóng thần có thể tràn vào những khu vực ở khá sâu trong đất liền.

Có lẽ người dân ở những khu vực trên đã hơi chủ quan về sóng thần, bởi họ sống tương đối xa bờ biển.

Nhà máy điện nguyên tử Fukushima số I

Sự cố Nhà máy điện Fukushima ở mức 4/7

Chính phủ Nhật Bản đánh giá sự cố ở Nhà máy điện nguyên tử Fukushima số I ở mức độ 4 trên thang bảng quốc tế từ 0 - 7.

Hai chất phóng xạ là cesium (xêdi) và iodine (iốt) đã được phát hiện ở gần lò phản ứng số 1 của Nhà máy này từ hôm thứ Bảy, 12/3. Sự hiện diện của những chất này cho thấy phản ứng phân hạch uranium đã diễn ra.

Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, một phần nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân đã bị nóng chảy. Đây là sự cố đầu tiên kiểu này tại Nhật Bản.

Mức độ 4 trên thang Bảng mức độ bức xạ và hạt nhân quốc tế chỉ hiện tượng nhiên liệu bị hư hại và có rò rỉ một lượng đáng kể nguyên liệu phóng xạ ra bên ngoài.

Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản coi đây là sự cố rất đáng tiếc mặc dù là do động đất gây ra.

Có thể đã xảy ra nổ hydro tại lò phản ứng số 3 Nhà máy điện Fukushima số 1

Chiều 13/3, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Edano Yukio cho biết, có thể đã xảy ra nổ hydro tại lò phản ứng số 3 tại Nhà máy điện nguyên tử số I tại tỉnh Fukushima. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng vụ nổ này không gây nguy hiểm đến sức khỏe của những người đã được sơ tán.

Ông Edano Yukio  nói, một lượng lớn hydro có thể đã tích tụ tại phần trên cùng của buồng chứa lò phản ứng số 3, do có lúc buồng chứa này không được tản nhiệt đầy đủ.

Theo ông Edano, người ta đã mở 1 van giảm áp suất và bơm nước thường vào để tản nhiệt. Sau đó, do bơm gặp trục trặc nên đã phải bơm nước biển vào thay cho nước thường. Tuy nhiên, do dòng nước bơm vào không ổn định, nên mực nước đã giảm mạnh.

Mặc dù mực nước đã bắt đầu tăng lại, thế nhưng một lượng lớn hyđro có thể đã được tạo ra trong buồng chứa lò phản ứng lúc chưa được tản nhiệt đầy đủ.

Theo ông Edano, không thể loại trừ khả năng một vụ nổ tương tự như vụ nổ buồng chứa lò phản ứng số 1 hôm thứ Bảy 12/3 sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ngay cả khi xảy ra một vụ nổ như vậy thì tác động từ vụ nổ vẫn sẽ không ảnh hưởng tới buồng áp suất và buồng chứa. Ông cũng cho rằng sức khỏe những người đã đi lánh nạn sẽ không bị ảnh hưởng.

Quốc tế hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết 69 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã đề nghị giúp đỡ Nhật Bản sau trận động đất khủng khiếp hôm 11/3 vừa rồi.

12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, các nước ASEAN 5 quỹ quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng LHQ, đã gửi đội cứu hộ và hàng tiếp tế tới hỗ trợ Nhật Bản.

Sáng nay, ngày 13/3, tại cuộc họp nhóm chuyên trách đối phó với thảm hoạ khẩn cấp, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tăng gấp đôi số nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia công tác cứu hộ lên 100.000 nhân viên.

Ông Kan nói việc cứu người là nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay, bởi đã 2 ngày trôi qua mà vẫn còn rất nhiều người đang kẹt ở những khu vực bị cô lập do động đất, và đang chờ người đến cứu.

Ông cũng nói cần phải tăng cường phân phối hàng cứu trợ cho những người đi sơ tán.

Thủ tướng Nhật Bản cũng yêu cầu các thành viên nhóm chuyên trách bắt đầu các công tác tái thiết sau động đất.

Nguyễn Vũ