In bài viết

Chuyên gia nói về tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh

(Chinhphu.vn) - Việc tiêm viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ được thực hiện trong TCMR từ năm 2006. Tất cả các lô vắc xin viêm gan B đều được kiểm định an toàn đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng của VN cũng như của tổ chức WHO trước khi phân phối để sử dụng.

22/07/2013 18:39

Quy trình tiêm vắc xin viêm gan B

Trả lời tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 22/7 do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức, TS.BS Nguyễn Văn Cường cho biết: Vắc xin viêm gan B được đưa vào triển khai thí điểm trong chương trình TCMR từ năm 1997. Đến 2003, vắc xin viêm gan B được triển khai tiêm chủng cho tất cả các trẻ em dưới 1 tuổi trong toàn quốc. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi là 3 mũi. Mũi đầu tiên vắc xin viêm gan B còn gọi là liều tiêm viêm gan B sơ sinh.

Việc tiêm viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ được thực hiện trong TCMR từ năm 2006. Vắc xin viêm gan B được đánh giá là một trong những vắc xin an toàn nhất. Tất cả các lô vắc xin viêm gan B đều được kiểm định an toàn đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng của VN cũng như của tổ chức WHO trước khi phân phối để sử dụng.

Trong những năm 2007, 2008, có một số phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh, tuy nhiên sau điều tra đánh giá nguyên nhân của các phản ứng trên thì không tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêm với vắc xin viêm gan B. Hầu hết là do các bệnh trùng hợp của những trẻ này.

Việc thực hiện quy trình tiêm phòng vắc xin viêm gan B cũng tương tụ như quy trình tiêm chủng các loại vắc xin khác. Không có sự khác nhau giữa quy trình tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em và người lớn. Điều lưu ý là việc tiêm một loại vắc xin và tiêm vắc xin cho trẻ em hoặc người lớn cần phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về liều lượng và lịch tiêm, TS-BS Nguyễn Văn Cường cho biết.

Liên quan đến các phản ứng có thể gặp sau khi tiêm chủng, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết, các phản ứng có thể gặp sau khi tiêm chủng chia làm 2 loại.

Một là, các tác dụng phụ thường gặp nhưng không gây nguy hiểm cho trẻ, gồm có: Đau tại chỗ tiêm, có thể hơi sưng đỏ, có thể sốt thường, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy… tùy loại vắc xin. Những dấu hiệu này dễ dàng nhận biết, trẻ chỉ cần được điều trị triệu chứng và sẽ hết trong vòng một vài ngày, nhưng vẫn cần phải theo dõi để đề phòng các diễn biến nặng.

Hai là, các tai biến nguy hiểm có thể gây ra sau tiêm chủng, rất hiếm xảy ra, nặng nhất là các phản ứng sốc phản vệ (sau khi tiêm khoảng vài phút trẻ sẽ có biểu hiện hốt hoảng, da xanh tái, khó thở… dẫn đến tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Trẻ cần phải được xử lý cấp cứu kịp thời. Vì vậy, tại các địa điểm tiêm chủng cần được trang bị các hộp chống sốc). Ngoài ra là các tai biến khác có thể gây bệnh lý về thần kinh (viêm não, viêm dây thần kinh, áp xe tại chỗ tiêm, gây liệt, bại…tùy theo loại vắc xin) cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

11 loại vắc xin dùng trong TCMR

TS.BS Nguyễn Văn Cường, Trưởng Văn phòng TCMR quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cho biết trong Chương trình TCMR ở nước ta có 11 loại vắc xin gồm: Vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin phòng bệnh bại liệt, vắc xin phòng bệnh sởi, vắc xin phòng bệnh viêm gan viruts B, vắc xin phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib, vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vắc xin phòng bệnh tả và vắc xin phòng bệnh thương hàn. Hai vắc xin phòng bệnh tả và thương hàn chỉ áp dụng tiêm phòng cho vùng có dịch.

Trong đó, có 10/11 loại vắc xin được sử dụng trong chương trình TCMR là được sản xuất trong nước. Duy nhất chỉ có vắc xin phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván-viêm gan B-Hib (vắc xin 5 trong 1 hay là vắc xin Quinvaxem) được nhập khẩu từ Hàn Quốc và sử dụng. Vắc xin này đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức WHO và các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Theo BS Cường, tất cả các vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đều phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh. Đối với các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định của Việt Nam. Trong đó, phải được thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành.

Đối với vắc xin sản xuất trong nước, được sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của quốc tế, hiện, các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước đang có kế hoạch nghiên cứu và sản xuất một số loại vắc xin khác ngoài những vắc xin đã sản xuất cung cấp cho chương trình TCMR. Việt Nam tự hào là một trong số ít nước đang phát triển có thể sản xuất được vắc xin chủ động đáp ứng nhu cầu trong TCMR.

Hiền Minh