Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia tài chính-ngân hàng- đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NĐ-CP, Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.
Nhìn chung, tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu, lạm phát cao trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ghi dấu ấn tích cực và có những tín hiệu rất lạc quan.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô trong 10 tháng năm 2022 được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; an ninh lương thực và an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu những tháng còn lại của năm 2022, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới tăng 34,3% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 49%.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện và giải ngân. Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 67,1% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ vẫn tiếp tục phục hồi và tăng cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng qua ước tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam đã bước đầu khai thác tốt các lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đã tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam- EU, mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt trên 6 triệu tấn.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ khá nhịp nhàng và hợp lý. Qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Bình quân 10 tháng, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14%. Đặc biệt, trong tháng 10/2022, thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động rất mạnh chủ yếu do tác động bởi tâm lý kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt và đảm bảo ổn định được hoạt động của hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những động thái quyết liệt, kịp thời trong việc xử lý những tổ chức tính dụng yếu kém. Qua đó tạo niềm tin để người dân yên tâm giao dịch với ngân hàng.
Các lĩnh vực văn hóa- xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác đạt hiệu quả cao, không để dịch chồng dịch. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, nhiều sự kiện được tổ chức thành công, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.
Tự hào về thế và lực của đất nước đang mạnh lên
Đồng quan điểm, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng đặt trong bối cảnh với các nước có nhiều yếu tố tương đồng về xuất khẩu hàng hóa, thu hút FDI, định hướng phát triển kinh tế giống Việt Nam, có thể nói nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng.
Những con số đã nói lên điều đó và ngay cả các định chế quốc tế, các tổ chức uy tín, đa quốc gia cũng đều ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đạt được. Đây là những kết quả mà chúng ta hoàn toàn có thể tự hào và có niềm tin rằng, thế và lực của chúng ta đang mạnh lên.
Cơ bản, chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù thị trường chứng khoán có những biến động; việc điều hành tỷ giá thể hiện chúng ta ở trong tư thế chủ động chứ không bị động, do đó không có sự xáo trộn lớn.
Phân tích nguyên nhân để có những kết quả như trên, TS. Tô Hoài Nam cho rằng có nhiều yếu tố nhưng một yếu tố quan trọng, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò hành động, chỉ đạo thực hiện.
Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã phát huy được tác động tích cực. Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng với Nghị quyết này, Việt Nam có cách xử lý nhanh, đúng thời điểm, thể hiện sự quyết đoán, quyết tâm của Chính phủ. Bởi nếu sớm hơn thì chúng ta chưa đạt đến độ bao phủ vaccine nhưng nếu muộn hơn thì mất cơ hội. Nghị quyết 128 thành công cũng bởi trước đó Chính phủ đã có chính sách mạnh mẽ, quyết liệt về bao phủ vaccine.
Nhấn mạnh yếu tố "hài hòa" làm nên thành công của các quyết sách, chỉ đạo của Chính phủ, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, đó là ngoài phát triển kinh tế vẫn bảo đảm chính sách an sinh xã hội, ngoài gói hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, tín dụng, tài khóa, giảm thuế… thì còn những gói hỗ trợ cho người lao động.
Hơn nữa, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, kết hợp phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham ô, cộng với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu không thực thi sẽ bị xử lý, chứ không có chuyện "đứng một chỗ, không làm gì là không bị làm sao". Nhờ đó, tạo nên một tổng lực khiến môi trường kinh doanh tốt hơn để doanh nghiệp tăng trưởng.
"Không chỉ tập trung nguồn lực của đất nước vào kinh tế mà còn cả vấn đề an sinh xã hội, nâng cao năng lực hành chính của các cơ quan Chính phủ. Do nỗ lực hài hòa các mũi như vậy, phù hợp với bối cảnh, năng lực, vì thế, chúng ta duy trì được sự bình yên của xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế", TS. Tô Hoài Nam nhận định.
Ngoài ra, Việt Nam cũng khai thác được lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Nhiều nhóm hàng tăng trưởng kỳ tích. Rõ ràng khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thì ngoài các cơ hội về phát triển kinh tế, còn tác động, cải thiện chất lượng hoạt động của chính các cơ quan bộ ngành, địa phương.
Cũng theo VINASME, một trong những yếu tố quan trọng khác góp phần tạo nên sự thành công, đó là chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ và lan tỏa nhanh chóng từ các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó tiết kiệm được thời gian, đẩy nhanh được tốc độ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cải tiến mô hình quản trị, quản lý điều hành.
TS. Tô Hoài Nam cho rằng những yếu tố để tạo nên thành công vừa qua sẽ vẫn cần tiếp tục kiên định trong thời gian tới. Tuy nhiên, với một số tình huống, biến động từ thực tế xã hội, thị trường, các bộ ngành cần phản ứng chính sách nhanh hơn, thì sẽ bớt đi những tổn thất không đáng có, qua đó Việt Nam có môi trường vững chắc hơn để tăng trưởng thành công hơn nữa.
Cũng theo các chuyên gia, dự báo trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là sức ép về lạm phát, khó khăn trong điều hành tỉ giá; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… tiếp tục đối mặt với những thách thức.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Đặc biệt, các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng để phát triển sản xuất- kinh doanh.
Với sự sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của mọi thành phần kinh tế, tình hình kinh tế- xã hội những tháng cuối năm 2022 chắc chắn sẽ tiếp tục ghi thêm dấu ấn tích cực, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Giang Oanh - Hoàng Giang