In bài viết

Chuyên gia UNFPA có tin số liệu thống kê Việt Nam?

(Chinhphu.vn) – Trợ lý của Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Trần Thị Vân đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh chủ đề này.

18/10/2013 08:06
Ảnh minh họa

Có cơ sở tin cậy

Là người từng thực hiện các chương trình dự án hợp tác với Tổng cục Thống kê trong hơn 20 năm qua, bà Trần Thị Vân, Trợ lý của Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam khẳng định: Thời gian qua, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam không ngừng được nâng cao, nhất là việc đưa nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý, khai thác và phổ biến kịp thời thông tin.

“Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá là cuộc điều tra thành công so với nhiều nước trên thế giới cả về số lượng và chất lượng thông tin. Thời gian công bố thông tin đã rút ngắn xuống còn khoảng ½ so với cuộc điều tra dân số 1999, nhanh hơn đáng kể so với nhiều nước có tiến hành điều tra dân số trong giai đoạn 2009-2011”, bà Vân dẫn chứng.

Thực tế cho thấy, kinh nghiệm của Việt Nam đã được Tổng cục Thống kê báo cáo trong nhiều hội nghị về điều tra dân số ở quốc tế và khu vực. Số liệu tổng điều tra tra dân số và nhà ở 2009 đã được công bố kịp thời, giúp các cơ quan có cơ sở tin cậy để đánh giá kết quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2001-2010 và xây dựng các chính sách, chiến lược cho giai đoạn 2011-2020, như: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản và nhiều chiến lược khác.

Theo tiêu chuẩn quốc tế

Trao đổi về phương pháp luận của thống kê Việt Nam trong so sánh với quốc tế, bà Vân cho biết: Thời gian qua, Tổng cục Thống kê đã tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ.

Thông qua hình thức đào tạo, cũng như trực tiếp làm việc với các chuyên gia quốc tế hàng đầu, như: Chuyên gia về chọn mẫu, chuyên gia thiết kế và giám sát điều tra, chuyên gia xử lý và phân tích số liệu… cán bộ thống kê của Việt Nam đã tiệm cận với những phương pháp luận thống kê tiên tiến. Qua đó, việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin thống kê của Việt Nam đã được thực hiện theo chuẩn quốc tế.

Nhờ vậy, số liệu thống kê đã được các cơ quan Việt Nam và các tổ chức quốc tế sử dụng khá phổ biến để xây dựng các chính sách, chiến lược và đánh giá thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG), và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  

Việc Tổng cục Thống kê đảm bảo các số liệu thống kê mang tính so sánh quốc tế là rất quan trọng. Điều này không những giúp Việt Nam biết được vị trí đang ở đâu so với thế giới, mà còn giúp Việt Nam trong tăng cường đối thoại, chia sẻ và hợp tác quốc tế.

“Tôi cho rằng Tổng cục Thống kê đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến phương pháp thu thập thông tin và nâng cao chất lượng và độ tin cậy của thông tin thống kê trong nhiều năm qua nếu so sánh với thống kê các nước có cùng trình độ và điều kiện phát triển”, bà Vân khẳng định.

Cũng tại cơ quan thống kê

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Việt Nam đôi khi chưa được người sử dụng tin trong nước đánh giá cao, lý giải hiện tượng này, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: Tổng cục Thống kê cần phải làm nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm số liệu và dịch vụ thống kê đa dạng của mình với người sử dụng tin. Nhất là đối với những “người sử dụng tin đặc biệt” như: Các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Thông tin đại chúng và khu vực tư nhân.

Theo bà Vân: Việc quảng bá sản phẩm thống kê không chỉ giúp người sử dụng tin biết đến số liệu thống kê mà còn phải giúp họ hiểu và sử dụng thành thạo số liệu thống kê. Bởi nguồn số liệu thống kê chỉ thực sự phát huy tác dụng khi nó được khai thác và sử dụng kịp thời cho việc đề ra các quyết định chính sách.

Ở nhiều nước trên thế giới, nghề thống kê được đánh giá rất cao. Do vậy, bà Vân cho rằng: Cơ quan hữu trách cần tuyên truyền và giáo dục cho cán bộ ngành thống kê biết được giá trị nghề nghiệp của họ để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn.

Đặc biệt, cán bộ thống kê cần có đủ khả năng và bản lĩnh để bảo vệ số liệu một khi nó được thu thập và tính toán trên cơ sở khoa học.

Sự hỗ trợ của quốc tế

Trao đổi về sự hỗ trợ  kỹ thuật của tổ chức quốc tế cho hoạt động thống kê của Việt Nam thời gian qua, bà Vân cho biết: Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển luôn coi việc cung cấp và sử dụng nguồn số liệu tin cậy là vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các bằng chứng cho xây dựng, thực hiện và đánh giá các chính sách và chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã hợp tác với Tổng cục Thống kê hơn 30 năm qua. Hiện nay trong khuôn khổ một kế hoạch chung của Liên Hợp Quốc, UNFPA đang cùng các tổ chức Liên Hợp Quốc khác như UNDP, UNICEF, ILO, UNHABITAT… và các đối tác phát triển khác như World Bank có chương trình hợp tác toàn diện với Tổng cục Thống kê trong việc hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển thống kê trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Trọng tâm của hợp tác này là tiếp tục phát huy những thành quả của quá trình hợp tác để tăng cường năng lực thể chế về thu thập và phổ biến thông tin; năng lực điều phối hoạt động thống kê. Đồng thời, nâng cao chất lượng thu thập và phổ biến số liệu thống kê, cũng như tăng cường phát triển nguồn nhân lực làm công tác này.

Với những nỗ lực toàn diện nêu trên, bà Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA khẳng định: “Chúng tôi niềm tin vững chắc rằng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Không những số lượng chỉ tiêu thống kê sẽ được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước mà còn ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của người sử dụng thông tin trong và ngoài nước. Việt Nam có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước có trình độ tiến tiến về thống kê”.

Trần Mạnh