In bài viết

Chuyển giao công nghệ mới dùng lọc màng nano xử lý nước thải công nghiệp

(Chinhphu.vn) - Công nghệ này sử dụng màng lọc nano trông tương tự như một miếng bọt biển khi phóng to, trên bề mặt của màng có những lỗ chân lông có thể loại bỏ hơi ẩm từ không khí và hoạt động như một bơm hút chân không, kéo các phân tử nước ra khỏi dầu và chất bẩn trong nước thải.

27/08/2023 17:16
Chuyển giao công nghệ mới dùng lọc màng nano xử lý nước thải công nghiệp - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ kiểm tra thực tế công nghệ xử lý nước nano được lắp đặt thử nghiệm - Ảnh: VGP

Ngày 27/8, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), công nghệ xử lý nước nano đã được chuyển giao thành công từ Công ty ZwitterCo cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản công nghệ.

Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển giao, xúc tiến thị trường để đưa công nghệ xử lý nước nano ZwitterCo ra diện rộng và hướng tới tạo hạ tầng dùng chung tại các khu công nghiệp.

Cũng tại đây, đã diễn ra lễ ký kết giữa Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và các đơn vị nhằm thúc đẩy thương mại hóa thúc đẩy và hỗ trợ phát triển dự án tại Việt Nam.

Công nghệ xử lý nước của ZwitterCo., sử dụng màng lọc nano biến nước thải công nghiệp thành nước tinh khiết. Màng nano là sáng chế của start-up tại Mỹ, sáng chế công nghệ làm sạch dung màng nano được phát triển từ nghiên cứu đoạt giải trong cuộc thi tại Trường Đại học Tufts (Mỹ) với nghiên cứu xử lý nước thải khu công nghệ, tác động hệ sinh thái nước bằng công nghệ làm sạch.

Sử dụng công nghệ này tại các nhà máy sẽ bảo đảm việc sử dụng nước tuần hoàn, không có chất thải. Đặc biệt, công nghệ này có thể nhỏ hóa để đưa vào dân dụng, phục vụ biển đảo, biến nước mặn thành nước ngọt.

Công nghệ làm sạch sử dụng màng nano này phân tách được lớp kim loại nặng, dầu mỡ… mà các màng thông thường khác sẽ gặp rắc rối khi gặp rác sẽ đóng thành cục. Màng nano sử dụng trong công nghệ này được tách thành từng lớp mỡ động vật, kim loại nặng, chất độc hại, độ phèn, độ kiềm…

Nguồn nước thải khi chạy qua công nghệ này thì từng chất thải sẽ được tách ra riêng biệt, qua quá trình cô đặc sẽ tạo ra chất rắn và đầu ra của công nghệ là nguồn nước tinh khiết có thể uống trực tiếp. Màng nano thông thường có tuổi thọ khoảng 6 tháng đến 1 năm, nhưng màng lọc nano thế hệ mới này tuổi thọ lên đến 10 năm.

Công nghệ này sau khi được chuyển giao được lắp đặt thử nghiệm tại Công ty cổ phần Tôn Pomina tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, đây là mô hình xử lý nước thải theo công nghệ mới, công nghệ màng lọc.

Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học nỗ lực phát triển công nghệ lọc nước thải nói chung, nước thải công nghiệp nói riêng nhưng vấp phải một thách thức là mất quá nhiều thời gian để làm sạch chất bẩn từ nguồn nước thải tại nhà máy công nghiệp hoặc trang trại nông nghiệp lớn như mỡ, dầu, mỡ bôi trơn…

Theo khảo sát, dưới góc nhìn của chuyên gia, các doanh nghiệp và một số nhà khoa học đánh giá đây là dự án tiềm năng có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam. Đây là giải pháp đang hướng đến việc áp dụng công nghệ xanh bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, với việc chuyển giao công nghệ nước đột phá này, các khu công nghiệp có thể sử dụng công nghệ này tạo nền tảng, hạ tầng dung chung nhằm giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp. Thay vì một doanh nghiệp, nhà máy sử dụng nền tảng công nghệ này thì khu công nghiệp có thể sử dụng để các nhà máy tại khu công nghiệp đều được hưởng lợi với chi phí được tối ưu hóa.

Với công nghệ này, ông Phạm Hồng Quất cũng mong muốn Làng Công nghệ sinh thái (Ecotech) sớm xây dựng một lộ trình hợp tác giữa start-up của Việt Nam với Mỹ và đi chung với Techfest quốc gia.

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ bảo lãnh cho dự án này để giới thiệu tới các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam, để doanh nghiệp Việt có giải pháp vừa mới, vừa tiên tiến nhưng giá thành và chi phí có thể ứng dụng triển khai được. Mặt khác, có thể tìm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các quỹ về giảm thải carbon về môi trường, phát triển bền vững có thể cùng đồng hành với các dự án tương tự.

Hoàng Giang