In bài viết

Xung quanh sự chuyển giao lịch sử tại Singapore

(Chinhphu.vn) - Ông Lawrence Wong đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore. Buổi lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và nội các mới đã diễn ra long trọng vào tối 15/5 tại Dinh Istana ở Singapore.

16/05/2024 06:12
Xung quanh sự chuyển giao lịch sử tại Singapore- Ảnh 1.

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (ngoài cùng bên trái) tuyên thệ nhậm chức tại dinh Istana tối 15/5. Ảnh: AFP

"Cột mốc quan trọng" của Singapore

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, 51 tuổi, tuyên thệ trung thành và thực hiện đúng chức vụ trong buổi lễ nhậm chức diễn ra tại dinh Istana.

Ông tuyên thệ trên kinh thánh, là thủ tướng đầu tiên của Singapore làm điều này. Sau khi tuyên thệ, ông Wong có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.

Mở đầu bài phát biểu, ông tuyên bố đêm nay sẽ đánh dấu một "cột mốc quan trọng" của đất nước và là thời khắc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ.

Wong đề cập đến việc ông là thủ tướng đầu tiên của Singapore sinh ra sau khi đất nước độc lập, khẳng định dù đội ngũ mới được định hình bởi những người sáng lập Singapore, "phong cách lãnh đạo của chúng tôi sẽ khác với các thế hệ trước".

Tân Thủ tướng Singapore khẳng định ông và đội ngũ của mình sẽ "lãnh đạo theo cách riêng". "Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ táo bạo và vươn xa", ông nói, lặp lại lời nhận xét từ Tổng thống Tharman Shanmugaratnam rằng những năm tháng huy hoàng nhất của Singapore vẫn còn ở phía trước.

Ông Wong nói rằng ông và đất nước nợ cựu thủ tướng Lý Hiển Long một lòng biết ơn to lớn, vì "suốt đời phục vụ công chúng của ông, kéo dài hơn nửa thế kỷ".

Lãnh đạo Singapore cho biết một trong những ưu tiên chính của ông sẽ là tìm kiếm những gương mặt mới, đặc biệt là những người Singapore ở độ tuổi từ 30 đến 40, tham gia cùng ông trong chính phủ.

Ông kêu gọi công chúng "giúp kiến tạo cho người dân Singapore một chính phủ mà họ xứng đáng có được".

Ông Wong lưu ý nền kinh tế và xã hội nhỏ, cởi mở của Singapore dễ bị tổn thương trước "những ảnh hưởng từ bên ngoài", nhưng đất nước cần chuẩn bị tinh thần để thích ứng với một thế giới "hỗn loạn hơn, rủi ro hơn và bạo lực hơn".

Ông khẳng định vị thế quốc tế của Singapore giúp nước này có cơ hội tốt để vượt qua những thách thức nêu trên, đồng thời nhắc lại rằng Singapore luôn "tìm cách trở thành bạn với tất cả mọi người trong khi vẫn bảo vệ các quyền và lợi ích của mình".

Tân Thủ tướng hứa phục vụ đất nước "bằng cả trái tim", khẳng định sứ mệnh của ông rất rõ ràng là "vượt qua mọi khó khăn để duy trì điều kỳ diệu mang tên Singapore".

Ông Wong kết thúc bằng một lời kêu gọi hành động khác, yêu cầu công chúng tham gia cùng ông và chính phủ để đưa Singapore tiến lên.

"Mọi người đều sẽ có phần đóng góp vào sự tiến bộ của đất nước chúng ta". ông tuyên bố. "Mọi người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của chúng ta".

"Hãy cùng đưa Singapore tiến về phía trước", ông nói, khép lại bài phát biểu.

Trước buổi lễ, Tổng thống Tharman cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông Wong khi Singapore dấn thân vào những địa vực chưa được khám phá trên trường quốc tế, đồng thời lưu ý vai trò quan trọng của tân Thủ tướng trong việc định hình các chính sách quốc gia về kinh tế - xã hội.

Xung quanh sự chuyển giao lịch sử tại Singapore- Ảnh 2.

Ông Wong (trái) bắt tay cựu thủ tướng Lý Hiển Long trong buổi lễ nhậm chức tối 15/5. Ảnh: AFP

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ chức

Trước đó, ngày 13/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam.

Đồng thời, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông và chính phủ của mình sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 15/5. Đây là thủ tục chính thức trong quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Singapore.

Trong thư, ông Lý Hiển Long đã đề cử ông Lawrence Wong - 51 tuổi, Phó Thủ tướng Singapore - thay thế mình làm Thủ tướng từ ngày 15/5, bắt đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của "đảo quốc Sư tử".

Tổng thống Tharman cũng gửi thư đáp lại ông Lý Hiển Long, thông báo sẽ bổ nhiệm ông Lawrence làm tân thủ tướng vào ngày 15/5, đồng thời cảm ơn ông Lý Hiển Long đã phụng sự đất nước suốt 4 thập kỉ, trong đó có 20 năm trên cương vị thủ tướng.

Tổng thống Singapore cho biết thêm, ông Wong có ý định bổ nhiệm ông Lý Hiển Long làm bộ trưởng cấp cao. "Tôi chắc rằng kinh nghiệm cùng lời khuyên của ông sẽ giúp đỡ đội ngũ lãnh đạo mới khi họ bước sang giai đoạn lịch sử tiếp theo và tạo nên một Singapore thậm chí còn tốt đẹp hơn", ông Tharman viết.

Cải tổ nội các

Ngày 13/5, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (51 tuổi), người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, đã công bố cải tổ Nội các.

Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong (65 tuổi) sẽ giữ thêm trọng trách Phó Thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng.

Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Thông báo của ông Lawrence Wong nêu rõ sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí Bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính.

Phát biểu tại họp báo sau khi công bố cải tổ Nội các, Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính liên tục và ổn định khi chính phủ hiện nay sắp kết thúc nhiệm kỳ. Do các bộ trưởng đều đang thực hiện trọng trách được giao, nên ông muốn giữ nguyên vị trí lãnh đạo các bộ cho đến đến hết nhiệm kỳ.

Đánh giá về ông Gan Kim Yong, ông Lawrence Wong cho biết mặc dù không hoàn toàn thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4, nhưng kinh nghiệm của ông Gan Kim Yong về kinh tế quốc tế sẽ giúp Singapore điều hướng trong môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh hơn. Cả hai Phó Thủ tướng Gan Kim Yong và ông Heng Swee Keat đều là những bộ trưởng giàu kinh nghiệm và sẽ "giúp đỡ" trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Dự kiến ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào lúc 20h ngày 15/5 (giờ địa phương) tại cung Istana, trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore, chính thức tiếp quản vị trí lãnh đạo từ Thủ tướng Lý Hiển Long.

Tháng trước, ông Lawrence Wong cho biết những thay đổi lớn hơn trong nội các sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến vào trước tháng 11/2025).

Chân dung tân Thủ tướng Singapore

Hai năm trước, ông Lawrence Wong đã được lựa chọn làm lãnh đạo nhóm thế hệ thứ tư của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore, mở đường đưa ông trở thành Thủ tướng thế hệ tiếp theo của đất nước.

Sau khi hoàn thành du học tại Mỹ bằng học bổng của Chính phủ Singapore, ông Wong trở về nước làm việc cho chính phủ từ năm 1997.

Phó Thủ tướng Wong từng làm Giám đốc Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long. Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng.

Ông tái đắc cử nghị sỹ quốc hội trong 2 kỳ tổng tuyển cử năm 2015 và 2020 và từng đảm nhận những vị trí bộ trưởng khác nhau. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, ông được chọn làm đồng Chủ nhiệm Ủy ban ứng phó COVID-19 và ngày càng nhận được sự tín nhiệm rộng rãi của người dân Singapore.

Ông Lý Hiển Long đánh giá ông Lawrence Wong đã sẵn sàng để lãnh đạo Singapore. Giới chuyên gia đánh giá đây là giai đoạn tạo nên cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông Wong.

Những thách thức đợi tân Thủ tướng Singapore

Khi ông Lawrence Wong trở thành thủ tướng thứ tư của đảo quốc sư tử, nước này đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn...

Theo hãng tin Bloomberg, ông Wong - 51 tuổi và có bằng đại học Harvard - sẽ tuyên thệ nhậm chức tại dinh thủ thướng Istana trong một buổi lễ diễn ra vào buổi tối ngày 15/5. Ngay sau buổi lễ này, ông sẽ phải bắt tay vào xử lý một loạt vấn đề gồm chi phí sinh hoạt tăng cao, rủi ro địa chính trị ngày càng lớn, và ảnh hưởng của một vụ bê bối làm suy giảm hình ảnh của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.

Trao đổi với Bloomberg, Giám đốc Nydia Ngiow của công ty tư vấn kinh doanh BowerGroupAsia ở Singapore, nhận định rằng ông Wong sẽ "đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ là phải ứng phó với một bối cảnh không ngừng biến động, cử tri đa dạng hơn, và kỳ vọng lớn hơn về minh bạch và uy tín". Ông Ngiow cho rằng các động lực liên tục thay đổi có thể "làm gián đoạn ngay cả những kế hoạch được chuyển bị kỹ lưỡng nhất".

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia mà Singapore đều có mức độ phụ thuộc cao - đang có chiều hướng gia tăng. Xung đột ở Trung Đông và ở Ukraine đã gây ra những tác động bất lợi đối với nền kinh tế tập trung vào thương mại của Singapore, đồng thời làm gia tăng cảm giác bất an trong xã hội có mức độ đa dạng cao về sắc tộc và tôn giáo của nước này.

Tất cả những vẫn đề này sẽ chi phối tâm lý của cử tri khi ông Wong dẫn dắt "thế hệ thứ tư" các nhà lãnh đạo chính trị của Singapore tới một cuộc tổng tuyển cử mà Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Hiển Long, 72 tuổi, đã cam kết là sẽ diễn ra trùng với cuộc chuyển giao quyền lực. Và theo quy định của luật pháp Singapore, cuộc bầu cử này phải được tiến hành trước cuối tháng 11/2025.

Có một niềm tin chắc chắn rằng PAP sẽ duy trì vị thế quyền lực vững chãi khi cuộc bầu cử diễn ra, nhưng ông Wong và ê-kip của ông vẫn cần giữ vững được sự ủng hộ của cử tri, vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây suy yếu niềm tin. PAP hiện giữ đa số ghế trong Quốc hội Singapore, nhưng tỷ lệ phiếu bầu phổ thông của đảng này đang trong chiều hướng suy giảm.