In bài viết

Chuyện không nhỏ từ một vụ việc tưởng như “bình thường”

(Chinhphu.vn) - Vụ việc ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi xe tư nhân hạng sang, gắn biển xe công được báo chí phát hiện khởi đầu chuỗi những câu chuyện phía sau, từ quy trình bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ tới việc đánh giá đảng viên, giữ gìn uy tín của Đảng.

13/06/2016 07:10

Chiếc xe gắn biển xe công trái phép. Ảnh: Zing.vn

Bắt đầu từ một bài báo

Ngày 3/6, Báo Thanh niên số 155, tại trang 21 có đăng bài "Xe tư nhân gắn biển số xanh và "di sản" của Phó Chủ tịch Hậu Giang". Bài báo phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe cá nhân hiệu Lexus trị giá 5,7 tỉ đồng gắn biển số xanh. Chiếc ô tô hạng sang vốn mang biển kiểm soát 29A-790.93 được ông Thanh giải thích mượn của một người quen nhằm giúp địa phương đỡ phải dùng ngân sách mua xe mới cho cá nhân ông.

Bài báo lật lại câu chuyện trước đây khi ông Thanh còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Theo đó, Tổng Công ty này liên tục thua lỗ trong thời gian ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT do sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72%) đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết mà sự chỉ đạo, giám sát còn yếu, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp và khi nền kinh tế khủng hoảng thì thua lỗ trầm trọng, có nguy cơ mất vốn.

Trong tình cảnh của PVC như vậy, ông Thanh lại bất ngờ rời vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công Thương (9/2013), rồi làm Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ này và đến tháng 5/2015 thì được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Trước thông tin báo nêu, ngày 9/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với 9 cơ quan Trung ương, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Sau đó, ngày 10/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương kiểm tra, làm rõ những nội dung bài báo này nêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6 tới.

Trong đó nêu rõ yêu cầu kiểm tra, làm rõ hai nội dung là việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe cá nhân gắn biển số xanh và việc trong khi kết luận về trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí liên quan đến khoản thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng chưa được công bố công khai nhưng vẫn luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Đến nhiều vấn đề cần làm rõ

Trong những ngày cuối tuần, báo chí đã dành khá nhiều giấy mực đề cập về vụ việc này.

Trước lời giải thích của ông Thanh về việc sử dụng xe để địa phương đỡ phải mua xe cho cá nhân ông, VNExpress dẫn lời ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ Hà Nội và TPHCM, cấp Phó Chủ tịch thành phố được hưởng chế độ xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc. Với các địa phương khác, chế độ xe công đưa đón Phó Chủ tịch tỉnh chỉ áp dụng với trường hợp đi công tác.

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, đối chiếu các quy định pháp luật thì Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện được sử dụng ô tô biển xanh đưa đón.

Báo VOV điện tử nhận định đây là một việc làm tưởng như “bình thường” nhưng lại vi phạm quy định, thậm chí là “một sai phạm nghiêm trọng” đặc biệt đối với cán bộ cấp cao, bởi nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.

Đánh giá vụ việc “xe biển trắng, đeo biển xanh” chỉ là “giọt nước làm tràn ly” và đã “vượt khỏi tỉnh Hậu Giang”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV được báo Dân trí dẫn lời cho rằng việc chỉ trong thời gian ngắn từ lãnh đạo một doanh nghiệp thua lỗ nặng nhưng lại được luân chuyển theo diện cán bộ nguồn, trúng cử đại biểu Quốc hội là một chuỗi sự việc hết sức khó hiểu.

Theo ông Thước, điều công chúng quan tâm hiện nay là công tác tổ chức cán bộ, “bởi đó là vấn đề gây bức xúc bấy lâu và trở thành những nguy cơ trong Đảng”. Ông Thước mong những chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ được làm cho đến nơi đến chốn, để chấn chỉnh lại công tác tổ chức cán bộ cho toàn Đảng, bởi đây cũng là sự nghiệp của Đảng.

Còn ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định về nguyên tắc, “nếu có vi phạm sẽ không được đưa vào diện đề bạt, luân chuyển cán bộ”.

Trước việc Phó Chủ tịnh UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ cao nhất tỉnh Hậu Giang (75,28% số phiếu hợp lệ), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến được báo Vietnamnet dẫn lời đặt vấn đề liệu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang còn đủ uy tín để đảm đương nhiệm vụ, đủ uy tín để nói trước dân hay không.

Ông Tiến cũng cho rằng Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Quốc hội cần tiến hành làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một đại biểu như thế nào “để xem ông ấy đã đủ các phẩm chất, tiêu chuẩn ấy chưa”.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập được Vietnamnet dẫn lời cho rằng phân biệt “biển trắng, biển xanh” đã được nói đến nhiều, gây nhiều tranh cãi, khi vi phạm luật giao thông xe biển xanh lại bị xử nhẹ hơn, tạo nên sự ưu tiên không cần thiết và vô lý. Bên cạnh việc lạm dụng công-tư, nhiều thông tin báo chí cho thấy có những dấu hiệu cho thấy nhiều điều không minh bạch liên quan tới việc ông Trịnh Xuân Thanh, nên Tổng Bí thư phải yêu cầu kiểm tra tổng thể, chứ không riêng chuyện xe biển xanh hay biển trắng. Đây cũng là lý do hàng loạt cơ quan phải vào cuộc.

Còn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng “chuyện này không phải vùng cấm gì cả”. Ông Hùng đề nghị khi đã có chỉ đạo của Tổng Bí thư như vậy, các cơ quan vào cuộc hết sức khẩn trương, khách quan, trung thực, kết luận rõ ràng, đến đầu đến đũa những vấn đề báo chí phản ánh rồi báo cáo Ban Bí thư, công khai cho người dân biết.

Đồng thời, ông Hùng đề nghị “phải nêu rõ trách nhiệm của người bị kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên đới. Những cơ quan, cá nhân liên đới phải có giải trình rõ ràng”.

Khẳng định những băn khoăn, nghi ngờ của người dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, với đảng viên (dù chỉ một cá nhân) đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng; bài báo trên VOV điện tử bình luận, chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư trước vấn đề, sự việc liên quan đến công tác cán bộ, quản lý đảng viên, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân và những đảng viên chân chính, là việc làm cụ thể biến quyết tâm chính trị thành hành động.

Hành động này là thông điệp cho thấy sự kiên quyết, nghiêm minh trước pháp luật, không có vùng cấm, không có tiền lệ. Đồng thời, đây cũng là một thông điệp cho thấy các tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải rèn luyện, sửa mình; người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành phải thực sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức chính trị, giải quyết, xử lý triệt để những vi phạm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, trả lời công khai trước dư luận, không tìm cách né tránh, bao che.

“Có như vậy, Đảng mới có được nguồn nhân lực kế cận tốt; mới xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, đáng là ‘công bộc’ của dân. Như vậy, lòng dân sẽ hướng về Đảng, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng; vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của Đảng. Như vậy, mối quan hệ giữa dân với Đảng mới ngày càng gắn bó, và lúc ấy, Đảng mới thực sự gần dân”, bài trên VOV viết.

 T. Minh (tổng hợp)