mạng 5G – nơi rất nhiều công nghệ, hoạt động sẽ không còn là viễn tưởng. |
Thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tiềm năng cao về kinh tế số. Báo cáo mới nhất của Google, Temasek Holding và Bain&Co thực hiện cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đang ở mức 40%và đang là cái tên thứ 2 cùng Indonesia, đạt mức nhanh nhất trong khu vực.
Một trong những lý do được chỉ ra là nhờ vào việc Việt Nam có độ phủ di động cao cùng với việc đại bộ phận dân số được tiếp cận Internet, smartphone. Việt Nam cũng trở thành một trong số những quốc gia có tốc độ phổ cập viễn thông nhanh nhất thế giới. Viễn thông cũng trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhìn lại quá trình phát triển của thị trường di động Việt Nam, đầu những năm 2000, tức 10 năm sau khi điện thoại di động xuất hiện tại Việt Nam, chỉ 2% dân số mới được sử dụng. Sóng di động lúc này cũng chỉ phủ 80% đất nước. Các cuộc gọi thường xuyên bị nghẽn mạng.
Đến năm 2004, Viettel – một nhà mạng non trẻ, thiếu kinh nghiệm, eo hẹp về tài chính xuất hiện và bước vào thị trường với tham vọng “bình dân” hóa dịch vụ di động. 4 năm sau khi gia nhập thị trường, hàng chục nghìn trạm phát sóng, hàng trăm nghìn km cáp quang do Viettel xây dựng đã tạo ra hệ thống huyết mạch của mạng lưới viễn thông phủ khắp Việt Nam. Những hạ tầng này chính là điều kiện tiên quyết để chiếc điện thoại di động được phổ cập đến người dân trong nước, không phân giàu, nghèo, thành phố hay huyện đảo xa xôi.
Trên cơ sở đó, giá cước di động đã giảm từ 2.700 đồng/phút (năm 2004) xuống còn 1.500 đồng/phút, tức 45%. Mật độ di động tăng gấp 40 lần và tổng số người dùng điện thoại di động tăng 50 lần, đạt con số 75 triệu người.
Đến nay, Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia có tốc độ phổ cập viễn thông nhanh nhất thế giới. Viễn thông cũng trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng trong những năm qua, thông qua việc phát triển hạ tầng công nghệ, các nhà mạng Việt Nam đã tạo ra cơ hội mới cho người dân thông qua những chiếc điện thoại di động ngày một thông minh hơn. Điện thoại di động không chỉ là phương tiện liên lạc, nó còn là chìa khoá để bước vào cuộc sống số. Song song với hạ tầng, các nhà mạng cũng không ngừng mở rộng hệ sinh thái, dịch vụ để thông minh hoá cuộc sống.
Hiện nay, 70% dân số Việt Nam sử dụng smartphone, gần 100% người trưởng thành có cơ hội tiếp cận Internet, thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt, khoảng 20%/ năm… đó là những con số đáng mơ ước cho bất cứ quốc gia nào đứng trước kỷ nguyên số hóa.
Nhưng công cuộc xây dựng, phát triển đó chưa dừng lại, hiện nay, nhà mạng Viettel đang tiến hành nghiên cứu và phát sóng thử nghiệm mạng 5G – hạ tầng được xem là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển trong bối cảnh 4.0, nơi mà rất nhiều công nghệ, hoạt động sẽ không còn là viễn tưởng.
Cuộc sống của người dân không thể thiếu được điện thoại thông minh. |
Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, kinh doanh di động hiện nay và trong tương lai không chỉ là bán sim, thẻ, đưa ra các gói cước giá rẻ hay tạo ra vùng phủ sóng rộng, chất lượng tốt. Tương lai di động đang bước sang một trang mới, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu”. Do vậy, Viettel Telecom đặt mục tiêu phải trở thành một telco số (nhà mạng cung cấp nội dung số) có trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam và dịch vụ internet kết nối vạn vật – IoT sẽ chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối tại Việt Nam vào năm 2025.
Cũng về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, di động giờ chỉ là một mạng lưới nền tảng. Những dịch vụ, ứng dụng trên đó mới là quan trọng.
“Nhiệm vụ củachúng tôi là làm cho 100% người dân dùng smartphone. Hiện có nhiều người vẫn dùng ‘điện thoại alo’. Để làm được việc đó thì mạng 4G, 5G phải phát triển. Người dân phải cảm thấy cuộc sống không thể thiếu được điện thoại thông minh”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó,tập đoàn còn hướng đích ngắm đến việc kết nối, thông minh hóa vạn vật. “Chúng tôi đã thực hiện ở Hà Nội và TPHCM. Hãy tưởng tượng 2 – 3 năm nữa, mọi thứ xung quanh ta đều thông minh, tự động. Khi kết nối con người, có khoảng 100 triệu kết nối, còn khi kết nối đồ vật, đó là con số hàng tỷ”, ông Dũng nói.
Mục tiêu xây dựng xã hội số này được Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh phải thành công trong 1-2 năm nữa dù rằng áp lực là rất nặng nề. Bởi trong thế kỷ 22, chỉ có lao động không ngừng mới không tụt hậu, tương lai sẽ bắt đầu từ những hành động chuyển đổi số của ngày hôm nay./.