![]() |
Cô giáo Vũ Thị Thảo làm tình nguyện viên ở khu cách ly dành cho bệnh nhân nặng tại Khách sạn Bantique. Ảnh: NCVV |
Cô giáo Vũ Thị Thảo, Bí thư chi đoàn Trường tiểu học Quang Trung (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) được người dân phường Mân Thái yêu quý vì không chỉ là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò, mà còn vì những hoạt động tích cực của cô trong nhiều phong trào, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đợt Đà Nẵng giãn cách xã hội vào tháng 7/2020, cô Vũ Thị Thảo là một trong 6 người đầu tiên tình nguyện vào làm việc trong khu cách ly dành cho bệnh nhân chạy thận tại khách sạn Bantique (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà).
“Ngay khi Quận đoàn có lời kêu gọi đi tình nguyện, mình đăng ký ngay. Chuyến đi được thông báo sẽ diễn ra 15 ngày và không được về nhà. Mình ‘đánh liều’ gửi 2 con cho đứa cháu, dặn dò các con bảo ban, chăm sóc nhau, rồi lên đường làm nhiệm vụ”, cô Thảo nhớ lại.
Khu cách ly này dành cho bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền nên công việc áp lực hơn so với các khu cách ly khác. Với khoảng 200 người, gồm bệnh nhân và người nhà, ngoài y, bác sĩ, 3 thanh niên tình nguyện phải đảm nhiệm rất nhiều công việc, từ dọn dẹp, vệ sinh, giao đồ ăn, hỗ trợ tiếp tế từ ngoài vào, cập nhật thông tin về sức khỏe của bệnh nhân...
“Một công việc khá quan trọng của chúng tôi là nắm bắt thật sát thông tin biến chuyển bệnh của bệnh nhân để báo cáo lên bác sĩ. Sau 15 ngày, hết đợt 1, đáng lẽ được về nhà với con, nhưng do là trưởng nhóm tình nguyện, lại nắm rõ quy trình, đầu việc hằng ngày, quen với các bệnh nhân và thấy họ thật sự cần mình, nên mình quyết định ở lại thêm một đợt nữa”, cô Vũ Thị Thảo chia sẻ.
Cô Thảo kể: “Những ngày đầu, do suy nghĩ về dịch bệnh, cộng thêm phải thường xuyên nghe tiếng xe cấp cứu hú còi, nên khá nhiều bệnh nhân cao tuổi bị áp lực tâm lý, sợ hãi, mệt mỏi, mất ngủ… vì thế bệnh trở nặng. Hiểu được điều đó, mình thường xuyên liên hệ, gửi những lời động viên tích cực, lạc quan để vực dậy tâm lý cho mọi người”.
Cô giáo Vũ Thị Thảo tham gia hỗ trợ tiêm phòng vaccine tại phường Mân Thái. Ảnh: VGP/Minh Trang |
33 ngày trong khu cách ly là quãng thời gian khó quên đối với cô Bí thư chi đoàn năng động này. Và đến tháng 7 năm nay, khi Đà Nẵng thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đấy”, một lần nữa, cô giáo trẻ Vũ Thị Thảo lại xung phong làm tổ trưởng tổ cung ứng lương thực, thực phẩm của cả phường Mân Thái, được bà con gọi là “chị nuôi” của phường.
“Những ngày đó lo nhất là làm sao cho bà con đủ ăn. Mình liên hệ với nhiều công ty đầu mối cung ứng, làm trung gian liên lạc giữa phường và các tổ dân cư. Không ít ngày bọn mình đi nhận hàng từ 5h đến 22-23h. Có hôm 21h vừa đi trực chốt về, nhận được tin xe chở hàng về, mình tất tả quay lại, chia hàng cho các tổ trưởng ngay trong đêm để ngày mai bà con có đồ ăn. Chậm ngày nào là lo ngày đó. Lo nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người già và trẻ nhỏ. Mình tìm đủ nguồn, làm sao để có đủ thuốc thiết yếu cho bà con.
Công việc vất vả là thế, ấy vậy mà đôi lúc chúng mình vẫn bị hiểu lầm về việc giá cả do nguồn cung tăng, hay phường này nhận được nhiều hàng hóa hơn phường kia... Lúc ấy tủi thân lắm. Nhưng được các cô chú tổ trưởng động viên, các anh chị ở phường an ủi, bày tỏ sự tin tưởng, mình lại có thêm động lực để tiếp tục làm việc”, cô Thảo bộc bạch.
“Mình luôn tâm niệm, vừa là một nhà giáo vừa là một tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ, trong công việc chắc chắn sẽ có rào cản, có chông gai, nhưng mình phải đi đầu làm gương cho học trò và các con của mình để sau này các con luôn mang tinh thần sẵn sàng vì cộng đồng”, cô Thảo chia sẻ.
Với những hoạt động tích cực như vậy, năm nay cô giáo Vũ Thị Thảo được Thành đoàn Đà Nẵng tuyên dương là Nhà giáo trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào phòng, chống dịch COVID-19.
![]() |
Thầy Trương Vĩnh Đặng trong đợt hỗ trợ cho người lao động đi xe máy trở về quê ngang qua Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Thầy giáo mỹ thuật vẽ nên nụ cười trên khuôn mặt của những mảnh đời khó khăn
Thương những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, hơn chục năm nay, thầy giáo dạy mỹ thuật Trương Vĩnh Đặng (Trường tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã thực hiện hàng trăm chuyến từ thiện, quyên góp cho bà con khó khăn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các viện nuôi trẻ em cơ nhỡ, nạn nhân chất da cam, nạn nhân bão lụt. Trong đợt Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề do mưa bão năm 2020, thầy Đặng cùng một người bạn đã kêu gọi và trực tiếp đi hỗ trợ cho bà con nơi đây gần 500 triệu đồng.
Đặc biệt, trong 4 đợt dịch tại Đà Nẵng, thầy Trương Vĩnh Đặng được nhiều người nể phục vì những hoạt động miệt mài của mình trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Những ngày Đà Nẵng đón hàng nghìn lượt người lao động đi xe máy về quê ngang qua Thành phố, thầy Trương Vĩnh Đặng cùng ba của mình, ông Trương Văn Luân, dán từng tấm biển chỉ đường cho bà con đi đúng hướng khi ngang qua Thành phố. Hình ảnh này sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi vì ý tưởng độc đáo mà đầy ý nghĩa.
“Tới ngã ba Túy Loan, bà con hay bị nhầm đường, đi thẳng vào trục đường rẽ vào trung tâm Thành phố, đến khi gặp chốt rồi mới biết nhầm phải quay trở ngược lại. Thế là cha con mình nghĩ ra làm biển chỉ đường dán từng tuyến như vậy, bà con đỡ mất công hơn”, thầy Đặng kể.
Trong đợt hỗ trợ người dân lao động về quê, thầy Đặng đã kêu gọi và quyên góp được hơn 50 triệu đồng, phân phát đồ ăn, thức uống và biếu bà con mỗi xe 100.000 đồng lộ phí về quê. “Trong đợt hỗ trợ này, mình chạy đi chạy lại khu vực hầm Hải Vân và đèo Lò Xo. Cứ được các anh công an báo trước là mình chuẩn bị hàng hỗ trợ, rồi lên chờ bà con tới. Có 2-3 chuyến đi xuyên đêm. Những chuyến bắt đầu đi lúc 2h là bình thường”, thầy Đặng kể lại.
![]() |
Thầy Trương Vĩnh Đặng tổ chức “bữa ăn 0 đồng” tại phường Hòa An. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Còn bà con phường Hòa An, quận Cẩm Lệ vẫn rất nhớ hình ảnh thầy giáo Trương Vĩnh Đặng tất tả lo cho bà con lao động khó khăn từng bữa cơm 0 đồng trong những ngày giãn cách xã hội.
“Thành phố bùng dịch từ tháng 5 và kéo dài nhiều tháng. Những người lao động rất khó khăn, chạy ăn từng bữa, mình cùng một người bạn tổ chức ‘bữa cơm 0 đồng’ ngay tại khu vực mình sinh sống, tặng 1 suất ăn/ngày cho người bán vé số, khuyết tật, lượm ve chai, hay bất cứ người nào gặp khó khăn”, thầy Đặng cho hay.
Cách đây 2 năm, thầy Trương Vĩnh Đặng đã đề xuất lên Trường Tây Hồ tổ chức chương trình “bếp ăn 0 đồng” định kỳ 1 tháng/lần. Chi phí bếp ăn được các thầy, cô giáo chung tay thực hiện, các món ăn cũng do các thầy, cô sửa soạn và trao tận tay người lao động khó khăn tại khu vực ngay trước cổng trường.
Không chỉ có vậy, thầy Trương Vĩnh Đặng cùng các thầy, cô Trường Tây Hồ và một số người bạn còn tổ chức nhiều chương trình dành cho người yếu thế, như “gian hàng 0 đồng”, “bữa cơm 2.000”...
Cứ thế, hành trình thiện nguyện của thầy giáo Trương Vĩnh Đặng tiếp nối mãi và thầy đã vẽ nên những mảng màu tươi sáng, vẽ nên nụ cười trên khuôn mặt của những mảnh đời khó khăn.
Minh Trang