Bà Trịnh Hường (Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết trường hợp sau:
Công ty A phát hành trái phiếu vào năm 2016. Trong phương án phát hành, công ty A nêu rõ tài sản bảo đảm là cổ phiếu của công ty B (cổ phiếu B) đang niêm yết trên sàn giao dịch UPCOM.
Đến thời điểm đáo hạn trái phiếu, công ty A không đủ khả năng thanh toán lãi suất trái phiếu. Do đó, công ty A và các chủ sở hữu trái phiếu thống nhất sẽ xử lý tài sản bảo đảm là cổ phiếu B (công ty A và các chủ sở hữu trái phiếu này không phải là tổ chức tín dụng và không phải là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán).
Bà Hường hỏi, việc chuyển quyền sở hữu đối với cổ phiếu B từ công ty A sang chủ sở hữu trái phiếu khác có thể thực hiện ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán được không và thủ tục như thế nào?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Việc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu B trong trường hợp trên là giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch chứng khoán, có thể được thực hiện chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điểm m Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán:
“Chuyển quyền sở hữu do xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và thực hiện phong tỏa theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 23 Thông tư này.
Trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”.
Cổ phiếu B hiện đang được giao dịch trên UPCOM nên đã được đăng ký tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Do đó, đề nghị nhà đầu tư liên hệ với VSD để được biết thủ tục chuyển quyền sở hữu cụ thể.