In bài viết

Chuyến thăm “3 điểm đến, 6 mục tiêu” với gần 70 hoạt động của Thủ tướng

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 14 - 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện một chuyến đi “có 3 điểm đến với 6 mục tiêu” bao gồm chương trình làm việc liên tục, hầu hết đều kết thúc vào tối muộn với 69 hoạt động đa phương và song phương, trong khuôn khổ 2 hội nghị quốc tế lớn, làm việc với Ủy ban Châu Âu (EC) và thăm 3 nước đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Nhân dịp này, 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.

21/10/2018 14:19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị ASEM 12. Ảnh VGP
Sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác Châu Âu: Tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì các mục tiêu Tăng trưởng xanh toàn cầu (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh Châu Âu.

Dự Hội nghị ASEM 12 tại Bỉ, một Hội nghị đa phương toàn cầu quy mô lớn với sự tham gia của 43 nguyên thủ và 10 lãnh đạo quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Chủ tịch Hội đồng Châu Âu mời phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể về “Củng cố hệ thống đa phương: Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM ứng phó với các thách thức toàn cầu”.

Thủ tướng đưa ra một số đề xuất được đánh giá cao, như ASEM cần đi đầu trong thúc đẩy hợp tác đa phương, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu, đi đầu triển khai các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai. Thủ tướng nhấn mạnh ASEM cần chia sẻ kinh nghiệm về khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các nhóm người dân dễ bị tổn thương tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro. Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ tăng đóng góp tài chính cho Quỹ Á – Âu từ năm 2019.

Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác ASEM, Thủ tướng đề xuất Việt Nam tổ chức “Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội ở châu Á và châu Âu” và “Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” trong năm 2019. Nhiều thành viên ASEM, bao gồm 11 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, EU, Indonesia, Singapore, Lào, Australia, Italia, Đan Mạch, New Zealand, Hungary và Rumani đã ủng hộ và tham gia đồng bảo trợ các sáng kiến của Việt Nam.

Tại phiên họp hẹp của riêng các nhà lãnh đạo quốc gia ASEM bàn về “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển là dòng chảy chính của thời đại, song cộng đồng quốc tế đang chứng kiến những chuyển dịch sâu sắc và thách thức chưa từng có.

Thủ tướng đề xuất, vấn đề trước mắt là sớm giảm cọ xát thương mại nhằm tiếp tục đà phục hồi và bảo đảm triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu. Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do không bị cản trở ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn, kết nối giao thương Á - Âu và toàn cầu.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, chiều 19/10, Hội nghị ASEM 12 đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Chủ tịch, khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới.

Trong thời gian ngắn bên lề Hội nghị, Thủ tướng đã có 12 cuộc tiếp xúc song phương với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo dự Hội nghị, gồm Tổng thống Mông Cổ, Thủ tướng Trung Quốc, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Nga, Hy Lạp, Anh… để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và giải quyết các vấn đề cụ thể.

Lãnh đạo các nước đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vai trò, vị thế ngày càng tích cực, quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông. Các nước thành viên EU ủng hộ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và cho rằng cần sớm ký và thông qua EVFTA nhằm hiện thực hóa chiến lược của EU về kết nối EU - châu Á.

Trước thềm Hội nghị ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Na Uy Erna Solberg được mời phát biểu chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 12, sự kiện chính thức đầu tiên của Hội nghị. Phát biểu khai mạc trước hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục, Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen phức tạp, đây chính là thời điểm cần tăng cường hơn nữa sự kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á-Âu một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục. “Tôi tin rằng, Diễn đàn ASEM sẽ tiếp tục là cầu nối “hữu duyên” để đôi bên “năng tương ngộ” thúc đẩy kết nối sức mạnh của hai khối kinh tế Đông - Tây khổng lồ này, tạo nên xung lực mạnh mẽ cho phát triển toàn cầu”.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị ASEM 12, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, đại diện Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một quan hệ đối tác quan trọng mà thông qua đó Việt Nam và EU sẽ cùng hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp.

Dự Hội nghị P4G lần thứ nhất tại Đan Mạch, với vai trò là một trong số quốc gia tham gia sáng lập Diễn đàn P4G, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu đến 2030. Thời gian tới, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ P4G để triển khai thành công các sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững thông qua triển khai thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới. Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác thực hiện các sáng kiến của Diễn đàn về thúc đẩy các dự án hợp tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh, đặc biệt về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn...

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới 3 nước: Áo, Bỉ, Đan Mạch và thăm làm việc với EU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng 3 nước và Chủ tịch Ủy ban châu Âu mà theo Thủ tướng, để cùng nhau tạo nên các kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, Việt Nam cùng 3 nước và EU đã ký 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các văn kiện ký sau hội đàm và tại các diễn đàn doanh nghiệp.

Hội đàm với Thủ tướng Áo, quốc gia hiện là Chủ tịch EU, hai bên thống nhất phối hợp và nỗ lực đưa Áo trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu châu Âu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Áo tại Đông Nam Á và Áo là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU. Kim ngạch năm 2017 đạt 4 tỷ USD và đang tăng nhanh.

Hội đàm với Thủ tướng Bỉ, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, duy trì các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp Việt – Bỉ về Hợp tác kinh tế để định hướng quan hệ kinh tế. Nhân dịp này, hai bên chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ nhất trí rằng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản Việt Nam chất lượng cao tiếp cận thị trường Bỉ và ngược lại…

Hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen, hai bên bày tỏ hài lòng nhận thấy kể từ khi khi nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 9/2013, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt 664 triệu USD năm 2017, gấp 4 lần kể từ năm 2005 và hơn 2 lần kể từ năm 2010. Hai bên đã chia sẻ những đánh giá về quan hệ song phương và trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch.

Thủ tướng đã có các cuộc hội kiến với Nhà Vua Bỉ Philippe, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), có nhiều cuộc gặp với chính giới, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo bang, các vùng, cộng đồng doanh nghiệp, tham dự và phát biểu tại các diễn đàn, tọa đàm doanh nghiệp Áo, Bỉ, Đan Mạch, EU với thông điệp nổi bật và được trao đổi sôi nổi là việc sớm ký, phê chuẩn và thực thi EVFTA và IPA.

Làm việc với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Thủ tướng nhấn mạnh EU là đối tác thương mại lớn thứ 3, nhà tài trợ ODA không hoàn lại lớn nhất, nhà đầu tư FDI hàng đầu của Việt Nam. Hai bên có rất nhiều tiềm năng hợp tác, nền kinh tế phát triển cao của EU mang tính bổ sung cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam. Chủ tịch EC coi trọng hợp tác toàn diện với Việt Nam và vui mừng thông báo, tại phiên họp kết thúc lúc 12h trưa ngày 17/10/2018, Ủy ban Châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện Châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Sự kiện nổi bật này mang thông điệp hợp tác mạnh mẽ  ngay trước khi khai mạc Hội nghị ASEM 12, qua đó cũng đề cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEM.

Trong các Diễn đàn Doanh nghiệp, Tọa đàm chuyên đề, gặp song phương, lãnh đạo, doanh nghiệp các nước bày tỏ mong muốn EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn trong thời gian sớm nhất; cho rằng EVFTA sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Phát biểu trước các doanh nghiệp châu Âu, Thủ tướng nhấn mạnh, “Việt Nam đã sẵn sàng chào đón các bạn và tôi rất hoan nghênh các bạn doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói với các cơ quan của EU để Hiệp định EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực thi”. “Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, EVFTA sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng kỳ vọng Việt Nam sẽ là cầu nối tốt để doanh nghiệp EU thâm nhập thị trường ASEAN thời gian tới, hướng tới thương mại tự do, công bằng và thuận lợi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại Áo, Bỉ, Đan Mạch và một số nước châu Âu. Ngoài thông báo tình hình đất nước, Thủ tướng đã chia sẻ với bà con kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm, nhất là việc Ủy ban châu Âu thông qua EVFTA. Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào luôn hướng về Tổ quốc; cộng đồng đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là giữ gìn văn hóa, dạy tiếng Việt cho con cháu.

Trong chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc họp quan trọng với Lãnh đạo phụ trách đối ngoại các nước ASEM; các Bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế  đã có các cuộc làm việc với các đối tác hướng tới tăng cường hợp tác toàn diện, cụ thể trên các lĩnh vực, đưa các quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Có thể nói, chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công tốt đẹp, truyền tải thông điệp và hình ảnh về một nước Việt Nam mới năng động, phát triển nhanh về kinh tế và  ổn định về chính trị - xã hội. Chuyến thăm đã tạo nhiều điểm nhấn quan trọng, nhất là việc Ủy ban Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA, tạo không khí tin tưởng lạc quan trong cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục nâng tầm các quan hệ song phương với các đối tác ở châu Âu, mở rộng đối ngoại đa phương, góp phần tích cực xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, đồng thời tham gia hiệu quả, đóng góp vào giải quyết các thách thức toàn cầu./.

Đức Tuân