Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Tredene Dobson nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ardern tới Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa New Zealand và Việt Nam, cũng như thể hiện sự coi trọng của cả hai nước đối với mối quan hệ này.
Cùng với chuyến thăm New Zealand của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ một tháng sau khi New Zealand dỡ bỏ hạn chế do COVID-19 vào tháng 9 vừa qua, chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand thể hiện cam kết của cả hai nước trong việc tận dụng tối đa các cơ hội sau khi nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược vào năm 2020.
Mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand được xây dựng trên cơ sở hợp tác toàn diện và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, bao gồm thương mại - kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, an ninh - quốc phòng, hợp tác phát triển và giao lưu nhân dân. Đây cũng là cơ hội quan trọng để Thủ tướng Ardern tái khẳng định và phát triển quan hệ song phương trên nền tảng vững chắc này.
Ngoài ra, chuyến thăm diễn ra khi cả hai quốc gia kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 cũng là một cơ hội quan trọng để hai bên tái kết nối và cùng nhau phục hồi, phát triển kinh tế. Để thúc đẩy hoạt động này, Thủ tướng Ardern cùng đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ New Zealand, trong đó có các giám đốc điều hành và nhà quản lý hàng đầu, đến thăm Việt Nam mong muốn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế song phương với hy vọng sẽ có những cơ hội đầu tư mới vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng mở ra cơ hội cho hai quốc gia thúc đẩy tăng trưởng du lịch khi cả Việt Nam và New Zealand hoàn toàn mở cửa trở lại đối với du lịch quốc tế.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Ardern sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm tiếp tục xây dựng lòng tin, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau, tái khẳng định các cam kết và thúc đẩy các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm với mục tiêu tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai bên.
Ngoài ra, các hoạt động giữa các đoàn doanh nghiệp của cả hai nước cùng với sự hiện diện của Thủ tướng Jacinda Ardern và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và New Zealand sẽ tạo dựng kết nối để thảo luận cách thức thúc đẩy thương mại song phương, tìm kiếm các cơ hội cùng có lợi và tận dụng các cơ hội hiện có.
"Có thể thấy rõ những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hai nước trong thời gian qua và hai bên đã rất nỗ lực nhằm làm mới các thỏa thuận trước đó để mở đường cho các bước phát triển và cơ hội mới. Đây sẽ là nội dung mà Thủ tướng hai bên đề cập tới trong cuộc gặp sắp tới", Đại sứ nhấn mạnh thêm.
Thêm vào đó, lãnh đạo hai nước có thể sẽ cân nhắc tới cơ hội hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu trong bối cảnh Hội nghị COP27 vừa diễn ra và dựa theo những cam kết mà hai nước đã đưa ra tại COP26.
Nhìn chung, chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ vì lợi ích của cả hai bên cũng như tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác chính đã được thống nhất trong khuôn khổ Đối tác chiến lược, đồng thời thảo luận một số thách thức trong khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Thị trường năng động của Việt Nam mang đến những cơ hội kinh tế mới cho nhiều doanh nghiệp New Zealand. Thực tế những năm gần đây cho thấy mối quan hệ Việt Nam-New Zealand đã phát triển mạnh mẽ.
Trong 5 năm qua thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng 59%, đạt 2,39 tỷ đôla New Zeland (NZD) vào cuối năm 2022. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,3 tỷ NZD. Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 1,36 tỷ NZD sang New Zealand, trong khi kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam đạt 1,03 tỷ NZD. Điều này cho thấy mối quan hệ tương hỗ trong thương mại song phương New Zealand-Việt Nam.
Ví dụ, khi New Zealand ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 18% trong xuất khẩu trái cây tươi sang Việt Nam thì xuất khẩu máy móc của Việt Nam sang New Zealand tăng hơn 30% so với năm 2021.
Năm 2021, một trong những dự án hợp tác thành công nhất của New Zealand với Việt Nam đã hoàn thành. Đây là dự án được triển khai trong hơn 10 năm qua và là niềm tự hào cho cả New Zealand và Việt Nam.
Đó là dự án giúp thương mại hóa các giống thanh long mới cũng như tạo ra bước tiến khoa học lớn trong việc quản lý dịch bệnh cho trái cây. Hiện nay, phía New Zealand đang áp dụng những kiến thức chuyên môn và bài học kinh nghiệm vào sự phát triển của ngành sản xuất chanh dây của Việt Nam.
Bà Tredene Dobson cũng chia sẻ, trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam 2 năm qua, một trong những điểm nổi bật nhất là mặc dù cả hai nước đều áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 rất nghiêm ngặt nhưng mối quan hệ vẫn tiếp tục phát triển trong mọi lĩnh vực.
Người dân và các doanh nghiệp giữa hai bên thể hiện rõ quyết tâm trong việc thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm thành công. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai bên vẫn giữ các cuộc trao đổi thường xuyên dưới hình thức trực tuyến.
Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học và các học viện đã rất linh hoạt khi tạo ra và cung cấp các cơ hội học tập trực tuyến cũng như chuẩn bị cho sinh viên Việt Nam khi họ có thể đến New Zealand.
Liên quan tới hợp tác phát triển, kể từ tháng 6/2020, New Zealand đã hỗ trợ gần 2,2 triệu NZD để giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19. Đặc biệt, phía New Zealand cũng cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX Facility.
Không chỉ có những thành tựu về hợp tác kinh tế, các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan an ninh và quốc phòng của hai bên tiếp tục được thúc đẩy.
Theo đó, hai nước đã triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác và đào tạo về hoạt động gìn giữ hòa bình giữa New Zealand-Việt Nam và các hoạt động trao đổi quốc phòng cấp cao thường xuyên giữa hai bên.
Hai nước cũng đang nỗ lực xây dựng thỏa thuận năm 2019 giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát New Zealand về chống tội phạm xuyên quốc gia thông qua trao đổi thông tin thường xuyên và các chương trình đào tạo về chống rửa tiền, chống buôn người và buôn lậu.
Hai quốc gia cũng hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế song phương và đa phương về an ninh và an toàn hàng hải nhằm thúc đẩy tôn trọng và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Hai bên cũng tập trung nỗ lực vào tự do hàng hải và hàng không trong khu vực nhằm thúc đẩy thương mại không bị cản trở, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, và tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Việt Nam và New Zealand đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực cũng như tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau tại các cơ chế khu vực, đặc biệt là thông qua APEC để hỗ trợ hiệu quả chuỗi cung ứng đối với vaccine, thuốc và thiết bị bảo hộ lao động.
Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2024
Bà Tredene Dobson nhấn mạnh Việt Nam và New Zealand có rất nhiều lợi thế khi cả hai quốc gia đều là thành viên của ba hiệp định thương mại tự do lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai bên cũng là thành viên của 4 khuôn khổ hợp tác khu vực bao gồm: APEC, ASEAN, EAS, ASEM và gần đây nhất là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Những kết nối kinh tế sâu rộng ở cả cấp song phương và khu vực này sẽ đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế.
New Zealand là một thị trường tự do và mở, có lợi ích trong việc tận dụng các sản phẩm, kỹ năng và chuyên môn từ đối tác thương mại, tại các thị trường mà các đối tác này có tính cạnh tranh cao. Do đó, Việt Nam, với ưu thế về năng lực sản xuất, có thể mang lại nhiều lợi thế cho New Zealand.
Đại sứ New Zealand bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên và sẽ nghiên cứu để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp hai nước một cách tốt nhất trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam.
Khi Việt Nam nỗ lực tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp New Zealand cũng có vị trí tốt để hỗ trợ các yếu tố đầu vào trung gian nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho Việt Nam. Ví dụ, vật liệu gỗ của New Zealand được sử dụng để sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU.
Do vậy, khi các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng mới trong khu vực thì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai bên, các tiêu chuẩn chung và tầm nhìn chung của hai nước về hội nhập kinh tế tự do và mở sẽ cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Dựa trên kinh nghiệm làm việc cùng với Cơ quan Thương mại và Doanh nghiệp New Zealand để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson cho rằng, điều quan trọng là phải hiểu rõ về thị trường tiêu dùng và có các điều chỉnh phù hợp.
Đơn cử như, chiến dịch NZTE's Made with Care, được phát triển đặc biệt cho thị trường Việt Nam, đã thể hiện rõ mối quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, an toàn và bổ dưỡng.
Phía Việt Nam đã mở Văn phòng Thương mại tại New Zealand. Do đó, Đại sứ rất mong các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường New Zealand có thể đón nhận lời khuyên nhiều hơn từ cơ quan này.
Khi hai bên nhận thấy tiềm năng to lớn dành cho các doanh nghiệp New Zealand và Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và phát triển mối quan hệ thương mại tương hỗ, hai nước sẽ không chỉ đạt được mục tiêu thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2024 mà thậm chí có thể vượt mục tiêu đã đề ra, Đại sứ New Zealand bày tỏ.
Thùy Dung