Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương về tập trung cho tuyên truyền về chính sách, ngày 20/6/2022, Cổng TTĐT Chính phủ cho ra đời chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" tại địa chỉ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/.
Sau hai năm vận hành, hiện chuyên trang đã đạt 21 triệu người truy cập một tháng và đang vươn lên top đầu về lượng truy cập của các cơ quan báo chí.
Là một chuyên gia, một độc giả thường xuyên của Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII) chia sẻ, trước hết phải nói luật pháp và hoàn thiện thể chế luật pháp là một trong hai yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đến được với người dân thì luật pháp cần nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau và việc cho ra đời chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" của Báo Điện tử Chính phủ thời gian qua đã khẳng định cũng như làm tốt vai trò truyền thông chính sách đến người dân, doanh nghiệp.
"Người dân không thể thường xuyên được tiếp cận và học về pháp luật, chính sách, do vậy, đây là một kênh truyền thông chính thống cung cấp chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân một cách trực tiếp, kịp thời nhất, không bị 'tam sao thất bản'. Người dân có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi và nhanh chóng nhất", PGS.TS. Bùi Thị An cho hay.
Đặc biệt, đây cũng là diễn đàn để nhân dân góp ý; người dân, doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các chính sách, pháp luật (khác với việc người dân chỉ tiếp cận với các cán bộ thực thi chính sách), từ đó giúp người dân hiểu sâu hơn về những chính sách, luật pháp mới ban hành…
"Qua theo dõi, tôi thấy lượt truy cập trên chuyên trang 'Xây dựng chính sách, pháp luật' ngày càng nhiều, chứng tỏ những thông tin chính sách, pháp luật được đưa lên đây thực sự hấp dẫn người dân. Chuyên trang đã làm rất tốt công tác truyền thông ngay từ việc chọn những chủ đề, những chuyên gia nói về vấn đề được đưa ra, hay phương thức truyền thông cũng rất chuẩn xác. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu tuyên truyền đưa chủ trương, chính sách đúng đến người dân, doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng", PGS.TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.
Ông Hoàng Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử TP. Hà Nội (Văn phòng UBND TP. Hà Nội) đánh giá, chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" của Báo Điện tử Chính phủ với 8 chuyên mục chính đã bao quát được toàn bộ vòng đời của các chính sách, quy định pháp luật. Thông qua chuyên trang, người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được các chính sách từ khi khi còn là chủ trương, quá trình xây dựng, ban hành đến khi được triển khai trong đời sống.
Không chỉ là nguồn tin chính thống, những thông tin tại đây còn hấp dẫn độc giả bởi tính hữu dụng, thiết thực với các chính sách mới; tư vấn, giải đáp, hướng dẫn thực hiện chính sách; góp ý đề xuất chính sách hay giám sát việc triển khai chính sách. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần hoàn thiện các chính sách, pháp luật.
Các thông tin được cập nhật kịp thời, bao quát nhiều lĩnh vực, phản ánh các chính sách mới tại nhiều tỉnh, thành phố đã cung cấp cho người dân và doanh nghiệp một bức tranh toàn cảnh về những chính sách mới, qua đó, thể hiện sự chuyển biến tích cực, tinh thần cầu thị và tinh thần vì dân phục vụ của chính quyền.
"Theo tôi, chuyên trang đã thực sự đi theo đúng mục tiêu khi được ra đời. Đối với công tác truyền thông chính sách, đây cũng là mô hình phù hợp để các địa phương trên cả nước áp dụng, trong đó có TP. Hà Nội để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Việc truyền thông chính sách sẽ giúp chính sách pháp luật đến với đông đảo người dân, qua đó, giúp 'sàng lọc' được những văn bản không khả thi hoặc phát sinh vướng mắc mới, không thể đi vào đời sống", ông Hoàng Văn Bằng nhấn mạnh.
Đây cũng là một kênh thuận lợi nhất để tiếp nhận những góp ý, đề xuất các quy định mới, khuyến khích và bảo vệ những cách làm mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Biến những thông tin văn bản nghe khô cứng, không mang tính giải trí, trở nên gần gũi, sinh động và thu hút người dân, doanh nghiệp và đặc biệt nhóm trí thức thấy trách nhiệm của mình tham gia xây dựng chính sách, hướng tới quản trị quốc gia ngày một hiệu quả.
Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong gần 2 năm qua, ông đã nhiều lần truy cập vào chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" của Báo Điện tử Chính phủ để đọc và nắm bắt các chính sách mới - một điều cực kỳ cần thiết và quan trọng đối với những người làm quản lý như ông.
"Tôi rất đồng tình và đánh giá rất cao các chuyên mục trong chuyên trang. Chẳng hạn chuyên mục 'Chính sách mới' đã đón bắt được tất cả các chính sách mới, cập nhật sớm nhất gửi tới độc giả. Bên cạnh đó, còn có chuyên mục 'Tọa đàm chính sách', đây là chuyên mục rất phù hợp với thông tin hiện nay, bởi một chính sách mới được đưa vào thực tiễn sản xuất thông qua tọa đàm sẽ giúp cho doanh nghiệp, người dân, các nhà quản lý… hiểu sâu hơn và đặc biệt là thông tin cụ thể từ khi xây dựng chính sách cho đến khi ban hành, vấn đề gì còn vướng mắc, khó khăn, phức tạp…", ông Nguyễn Ngọc Sơn nhìn nhận.
Và một chuyên mục rất nhiều người yêu thích là "Hướng dẫn thực hiện chính sách". Chuyên mục này giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các đối tượng được thụ hưởng chính sách hiểu rõ hơn rất nhiều. Ví dụ như về chính sách nâng lương, chế độ hưu trí từ ngày 1/7 sắp tới, nếu không làm tốt tuyên truyền, không làm hướng dẫn tốt thì người dân có thể không biết hoặc áp dụng chưa đúng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, nhất là đối với bà con ở các vùng sâu, vùng xa…
Góp ý để chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" đổi mới, phát huy hiệu quả hơn, hấp dẫn độc giả hơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử TP. Hà Nội Hoàng Văn Bằng cho rằng, trong mục "Chính sách mới" nên chia theo các lĩnh vực; tách chính sách chung và chính sách các địa phương. Các bài viết nên ngắn gọn, trọng tâm, áp dụng các cách trình bày dưới dạng hình ảnh, biểu đồ, bảng biểu, infographic để người đọc tiếp cận thông tin nhanh và dễ dàng hơn.
Ngoài ra, chuyên trang cần thêm các tin động, tin chạy và các ký hiệu động để thu hút độc giả, tăng tính hấp dẫn thông tin; bổ sung thêm các hình thức tuyên truyền mới để thu hút giới trẻ; tạo các clip tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật và tăng các hình thức tương tác với độc giả trong phản hồi, tiếp nhận ý kiến đóng góp…
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, ngoài việc đưa thông tin chính sách thường xuyên, hằng ngày thì chuyên trang cần tập trung truyền thông chính sách từng đợt, từng giai đoạn và theo độ "nóng", độ cấp thiết của từng luật. Ví dụ hiện nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn mơ hồ, chưa hiểu rõ hết những quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp thực thi, do đó, chuyên trang nên tập trung tuyên truyền và "mổ xẻ" sâu hơn, chi tiết hơn để người dân nắm rõ. Hay như Luật Bảo hiểm xã hội liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội cũng cần tập trung tuyên truyền nhiều bởi đây là 2 luật rất thiết thực gắn với đời sống dân sinh.
Để thu hút được nhiều độc giả hơn, PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, cần đầu tư thêm để cho chuyên trang này phát triển, phát huy hiệu quả, cũng như phổ cập truyền thông chính sách đến người dân, doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Là người gắn bó với ngành nông nghiệp, nhất là đối với ngành chăn nuôi nhiều năm qua, ông Nguyễn Ngọc Sơn rất mong muốn cơ quan truyền thông nên đổi mới, đưa các chuyên mục mới và đặc biệt là việc hướng dẫn pháp luật vào các tin, bài tuyên truyền để người dân cũng như các nhà quản lý, doanh nghiệp… dễ dàng tiếp cận và hiểu biết một cách chính xác, rõ nét và gần gũi hơn.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề xuất chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật" nên bổ sung thêm chuyên mục biểu dương, khen thưởng để nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Đồng thời mong muốn chuyên trang tiếp tục nâng cao, đổi mới về phương thức tuyên truyền và nội dung tuyên truyền, cách tiếp cận với các độc giả nói chung và người nông dân nói riêng để chính sách pháp luật ngày càng đi sâu, đi rộng đến với toàn thể nhân dân cả nước.
Nhóm PV