In bài viết

Chuyện về hai mẹ con đều là Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ vừa qua đời, thọ 107 tuổi. Mẹ ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam), có 9 người con trai là liệt sỹ. Cả nước đã biết, nhưng người con gái đầu của mẹ Thứ cũng là Mẹ VNAH thì hẳn nhiều người còn chưa biết? Đó là bà Lê Thị Trị...

18/12/2010 07:57

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ vừa qua đời, thọ 107 tuổi. Mẹ ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam), có 9 người con trai là liệt sỹ. Cả nước đã biết, nhưng người con gái đầu của mẹ Thứ cũng là Mẹ VNAH thì hẳn nhiều người còn chưa biết? Đó là bà Lê Thị Trị...

Hai mẹ con (mẹ Thứ, bên trái và mẹ Trị)


Sinh trưởng trong một gia đình truyền thống cách mạng, từ tuổi thiếu niên bà Trị đã hăng hái tham gia nhiều công tác như làm giao liên, cảnh giới, theo dõi tình hình địch để báo cho du kích... Lớn lên, bà Trị cùng với bố mẹ trở thành một gia đình cơ sở kiên trung nằm trong vùng địch kiểm soát. Chồng bà, ông Ngô Tưởng tham gia cách mạng từ thời chống Pháp và bị địch bắt năm 1956. Sau nhiều ngày bị tra tấn dã man, ông vẫn không khai báo nửa lời, địch hằn học giam ông vào xà lim. Bị đánh đập đã kiệt sức, đến khi bị nhốt vào xà lim, nước nhỏ miết lên đầu, nên chỉ mấy tiếng đồng hồ sau ông bị chết cóng. Sáng hôm sau, địch bắt bạn tù đưa xác ông ra chôn tại bãi cát Cẩm Hà (Hội An).

Khu vườn nhà mẹ Thứ hồi đó rộng cả hecta và có đến 5 hầm bí mật. Mẹ Thứ nuôi hàng chục con bò, thả ăn ngay trong vườn. Lúc không có địch, hai mẹ mở hé cửa hầm cho "anh em mình thở", còn hễ "có động" thì giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm. Cái câu "bò chạy huớ bây" là ám hiệu có địch để anh em dưới hầm đề phòng. Bà Trị còn nhớ có lần bà hô "bò chạy huớ bây", một tên địch ngỡ là bà "cạnh khóe" tụi nó, bèn nện báng súng vào lưng bà đau điếng, nhưng bà vẫn oang oang nói cứng: "Chú này hay chưa? Đừng ỷ làm lính mà ăn hiếp dân nghe! Bò chạy thì tôi kêu bò chạy, có mắc mớ gì tới mấy ông đâu!".

Ban đêm, hễ không có địch thì bà để ngọn đèn sáng trên bàn thờ, còn lúc có địch thì không có ngọn đèn ấy. Đó là ám hiệu để anh em mình ở ngoài biết. Còn mỗi lần anh em ở dưới hầm lên đi trừ gian diệt ác, thì bà làm sẵn một thau lá rau lang giã nhỏ trộn với lọ nghẹ để anh em ngụy trang. Những đêm bộ đội, du kích về đánh đồn, bà lại chuẩn bị sẵn sàng cơm mắm muối mè, vừa ngồi canh chừng địch, vừa trông chờ bộ đội đến lấy cơm. Đến khuya, nghe tiếng súng ta nổ giòn, bà mừng thầm vì đoán là trận đánh thắng lợi. Ngược lại, hễ nghe tiếng pháo đạn của địch lấn át thì ruột gan bà như muối xát...

Trong những năm chiến tranh, bao nhiêu cán bộ, bộ đội, du kích đã được bà nuôi giấu. Bà còn nhớ như in thằng Phòng đêm ấy lên ăn cơm xong, đi công tác bên Thanh Tú, bị lọt vào ổ phục kích của địch, hy sinh mà không lấy được xác. Sau đó mấy hôm, thằng Sự đi đánh đồn Mỹ ở thôn Viêm Tây rồi cũng mãi mãi không về!

Cô con gái đầu của bà, chị Ngô Thị Cúc bị địch bắt lên bắt xuống vì "tình nghi cộng sản". Năm 1969, khi chị Cúc đang bị giam ở lao xá Hội An, bà Trị khăn gói tìm đến thăm con, nào ngờ vừa bước vào cổng lao thì bị địch bắt luôn. Chúng tra tấn hai mẹ con với đủ mọi cực hình tàn khốc như đổ nước xà phòng vào mồm, cho điện giật..., nhưng cả hai người vẫn không một lời khai báo. Sau ba năm giam cầm, tra khảo, nhưng không khai thác được gì, bọn địch buộc phải trả tự do cho cả hai người. Ra tù (năm 1972), chị Cúc liền gia nhập lực lượng du kích xã và đến năm sau chị đã hy sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu.

Người con út Ngô Thị Điểu chưa tròn 16 tuổi đã trở thành cô giao liên hợp pháp, hết sức mưu trí, gan góc trong các nhiệm vụ được giao. Tháng 8 năm 1970, chị Điểu bị thương nặng và bị bọn Mỹ bốc lên máy bay đưa thẳng ra tàu thủy của chúng đậu ở ngoài khơi Biển Đông để tra hỏi. Nhưng chúng chưa tra hỏi được gì thì chị đã trút hơi thở cuối cùng!

Hàng chục năm qua, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với chị Ngô Thị Điểu phải làm đi làm lại mấy lần, do tính chất hoạt động mật, ít người biết. Còn những người trực tiếp giao nhiệm vụ thì đã hy sinh, hoặc đã mất do già yếu, bệnh tật. Đến cuối năm 2002, chị Ngô Thị Điểu mới được công nhận là liệt sỹ với Bằng Tổ quốc ghi công ký ngày 24-10-2002. Ấy vậy mà, không rõ vì lý do gì, hồ sơ vẫn nằm "đâu trên huyện, trên tỉnh"? Mãi tới đầu năm 2006, nhờ một cán bộ có tâm huyết trực tiếp lên huyện, lên tỉnh để hỏi giùm", nên hồ sơ liệt sỹ của chị Ngô Thị Điểu mới được chính quyền địa phương trao cho gia đình vào ngày 8-4-2006. Một năm sau, đúng vào dịp kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thì bà Lê Thị Trị được công nhận là Mẹ VNAH.

Hai mẹ con Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ và Lê Thị Trị cùng ở trong một ngôi nhà do lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xây dựng, có giữ lại những nét cơ bản của ngôi nhà mà trước kia mẹ Thứ, mẹ Trị đã ở để nuôi giấu, che chở cách mạng và những người thân của hai mẹ đã sinh sống và ra đi diệt thù cứu nước...

Chuyện về hai mẹ con đều là Mẹ VNAH thì còn nhiều lắm. Bây giờ mẹ Thứ mất rồi, chúng ta cầu chúc cho mẹ Trị được bình an !

Hồng Nhung (17 - Duy Tân - Tp.Đà Nẵng)
Nguồn: Báo Nghệ An

» Xuất xứ tên gọi Bộ đội Cụ Hồ(18/12/2010) » Tập trung nguồn lực, tạo đột phá ở các sản phẩm, lĩnh vực, vùng trọng điểm(17/12/2010) » Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà các đơn vị bộ đội nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)(17/12/2010) » Thanh Chương: Phát động Tết khuyến học Tân Mão năm 2011(17/12/2010) » Người dân vùng tái định cư Thanh Chương: Vẫn chưa có đất sản xuất và nước sinh hoạt(17/12/2010) » Liên minh HTX Tỉnh: Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 8- khóa III(17/12/2010) » Kẽ hở của chính sách về khuyến mãi(17/12/2010) » Vạch kẻ đường và hệ thống đèn giao thông(17/12/2010) » Đồng tiền xu(17/12/2010) » Không tăng giá xăng dầu đến hết quý 1/2011(17/12/2010) » Huyện Thanh Chương tổng kết công tác khuyến học năm 2010.(16/12/2010) » Khởi công dự án Sài Gòn Sky(16/12/2010) » Sản xuất lúa vụ Đông Xuân: Nóng giống lúa lai 3 dòng(16/12/2010) » Sử dụng túi ni lon: Lợi trước mắt, hại mai sau(16/12/2010) » Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kiểm tra công tác pháp chế tại ngành GD-ĐT Nghệ An(15/12/2010) » Tổ chức phân bổ tiền, hàng cứu trợ đúng mục đích, đúng đối tượng(15/12/2010) » Tổng kết và bàn giao chương trình đưa Internet tới trường học(15/12/2010) » Nghệ An: 3 đề tài đạt giải tại festival sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2010(15/12/2010) » Bước chuyển sau 5 năm thực hiện chính sách dân tộc(15/12/2010) » Làng hoa đợi Tết(15/12/2010)