- Tháng 3/2006: Làm việc tại Trường Đại học Đồng Tháp (văn phòng), hợp đồng thử việc với mã ngạch giáo viên trung học phổ thông 15.113.
- Tháng 3/2007: Hoàn thành hợp đồng thử việc, tiếp tục làm văn phòng, mã ngạch 15.113.
- Tháng 8/2010: Chuyển sang ngạch chuyển viên 01.003, tiếp tục làm văn phòng.
- Tháng 9/2012: Học xong thạc sỹ và được điều động chuyển sang làm giảng viên, vẫn giữ ngạch 01.003 vì chưa chuyển ngạch, tuy nhiên thời gian này bà Lê đều làm việc theo chế độ giảng viên, hưởng lương và quyền lợi của giảng viên, chuẩn giờ dạy và nghiên cứu khoa học của chế độ giảng viên.
- Từ tháng 8/2016 đến nay: Chuyển sang ngạch giảng viên bậc 3.
Từ năm 2006 đến nay năm nào bà Lê cũng có tham gia giảng dạy (kể cả thời gian làm văn phòng). Bà dạy ngành công nghệ thông tin nên có dạy cả phần lý thuyết trên lớp và thực hành trên phòng máy tính.
Bà Lê hỏi, thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 8/2016 bà có được tính thâm niên nhà giáo để xét cộng dồn với thời gian bà giữ ngạch giảng viên không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được quy định tại các văn bản sau:
- Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
- Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.
- Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.
Tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định:
“Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”;
“Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, tàu huấn luyện của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Từ tháng 9/2012 đến tháng 8/2016, bà Mai Lê giữ mã ngạch chuyên viên, có tham gia giảng dạy. Chuyên viên (không giữ chức vụ quản lý) làm việc toàn thời gian và theo vị trí việc làm. Chức danh này khi hoàn thành nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm, được sự đồng ý của Lãnh đạo đơn vị và bảo đảm thời gian làm việc theo quy định có thể tham gia công tác giảng dạy nếu có đủ điều kiện theo quy định và được hưởng quyền lợi như giảng viên thỉnh giảng, không có căn cứ pháp lý để áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên cho đối tượng này.
Vì vậy, bà Lê không phải là đối tượng áp dụng hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại các văn bản trên.
Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. Cụ thể, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Do không có đầy đủ hồ sơ về quá trình công tác của bà Lê nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có đầy đủ thông tin để trả lời chi tiết về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên theo nội dung hỏi.
Đề nghị bà Lê căn cứ các văn bản nêu trên và có ý kiến phản ánh trực tiếp với đơn vị quản lý (hồ sơ và quá trình công tác…) để được giải đáp kịp thời, bảo đảm quyền lợi.
Chinhphu.vn