Ảnh minh họa |
Một số tỉnh sát biên giới, vốn là địa bàn trọng điểm trong việc buôn lậu và vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đã giảm được trên 90% số lượng nhập khẩu so với trước.
Tại Hà Nội, thị trường tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm lớn nhất miền Bắc, việc kinh doanh gia cầm ở các chợ đầu mối đã được kiểm soát tốt. 100% số hộ kinh doanh gia cầm đã ký cam kết không kinh doanh gà thải loại không rõ nguồn gốc và 15/16 hộ đã chuyển sang kinh doanh gà Việt Nam.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Hải quan, đã thu giữ 78.273 kg gà thịt, 300.369 con gà giống Trung Quốc, 461.059 quả trứng gia cầm, 1.558 con chim bồ câu Trung Quốc, 6.560 kg sản phẩm gia cầm đông lạnh, 7.810 kg sản phẩm gia cầm. Tổng số hàng hóa vi phạm bị tịch thu, tiêu hủy đạt giá trị tới gần 600 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, đã chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm tổ chức lên danh sách, rà soát các đường dây, đối tượng hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, xác định cụ thể tên, địa chỉ 123 đối tượng; tuyến, địa bàn hoạt động; phương tiện vận chuyển; kho bãi, điểm tập kết; địa điểm tiêu thụ…
Đồng thời phối hợp với chính quyền, công an cơ sở trực tiếp gặp gỡ, giáo dục, yêu cầu các đối tượng viết cam kết không tham gia mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đến nay Công an các địa phương đã xác định được 84/123 đối tượng (bằng 68%) đã chấm dứt hoạt động, 39/123 đối tượng (bằng 32%) còn biểu hiện hoạt động nhưng chủ yếu hoạt động nhỏ, lẻ, diễn ra không thường xuyên, tại khu vực giáp biên.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh và các lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm đang ngày càng tinh vi hơn: Trà trộn gia cầm nhập khẩu trái phép với gia cầm nuôi trong nước; dùng hồ sơ kiểm dịch của gia cầm trong nước trong quá trình vận chuyển; giết mổ trước khi đưa vào địa bàn tiêu thụ; vận chuyển vào ban đêm nhằm tránh nguy cơ bị tuần tra, phát hiện…
Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mối nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, đến việc lây lan dịch cúm gia cầm và phá hoại việc nuôi gia cầm trong nước do sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, nhằm thay đổi một cách tích cực nhận thức của người dân, khiến người dân tự giác không tiếp tay, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã ra Công điện yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088), hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được giao.
Phương Hiển