In bài viết

Có cần xin giấy phép kinh doanh bán lẻ?

(Chinhphu.vn) – Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.

03/03/2020 08:02

Theo phản ánh của Công ty Luật TNHH IPIC, trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, Công ty gặp trường hợp Công ty A (100% vốn Singapore) đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép: Mục tiêu hoạt động và ngành nghề kinh doanh: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động (CPC 642/ VSIC 5610), cụ thể: Kinh doanh chuỗi cửa hàng trà sữa.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP về bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng, việc Công ty A kinh doanh chuỗi cửa hàng trà sữa là hoạt động bán hàng cho các cá nhân, người tiêu dùng. Công ty Luật TNHH IPIC hỏi, hoạt động này có được coi là hoạt động bán lẻ không? Doanh nghiệp có cần thực hiện thủ tục xin Giấy phép kinh doanh về hoạt động bán lẻ không?

Theo Công ty Luật TNHH IPIC hiểu, bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng (Khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP). Theo Quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về hệ thống ngành Nhà hàng là hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống tới khách hàng trong đó khách hàng được phục vụ hoặc khách hàng tự chọn các món ăn được bày sẵn. Theo Bảng mã phân loại sản phẩm CPC của Liên Hợp quốc thì dịch vụ phục vụ ăn uống là các dịch vụ nấu nướng và phục vụ thức ăn và các dịch vụ phục vụ đồ uống liên quan do các nhà hàng, quán cà phê và các cơ sở ăn uống tương tự cung cấp một cách đầy đủ bao gồm cả dịch vụ bồi bàn cho cá nhân khách hàng tại bàn, kèm hoặc không kèm dịch vụ giải trí.

Ngoài ra, Công ty A thực hiện ký kết hợp đồng với Công ty B (Doanh nghiệp FDI) để mua các sản phẩm như: túi/ hộp trà sữa; các túi hương liệu khác (việt quất; chocolate;...); túi/ hộp cà phê;... các sản phẩm liên quan đến dịch vụ ăn uống bán kèm với hoạt động kinh doanh dịch vụ Nhà hàng và phục vụ ăn uống của doanh nghiệp.

Căn cứ vào các quy định trên, Công ty TNHH Luật IPIC cho rằng hoạt động bán các loại hàng hóa như túi/ hộp trà sữa; các túi hương liệu (vị việt quất; chocolate;...); túi/ hộp cà phê;... kèm theo dịch vụ tại nhà hàng/cửa hàng trà sữa thuộc đối tượng phải xin cấp Giấy phép kinh doanh. Công ty TNHH Luật IPIC hỏi, Công ty hiểu như vậy có đúng không, hoạt động này có cần phải xin Giấy phép kinh doanh về bán lẻ hay không?

Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018: “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.

Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “1. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Căn cứ các quy định trên, tổ chức cũng là đối tượng mua hàng hóa để sử dụng vào mục đích tiêu dùng. Việc bán hàng cho tổ chức để sử dụng vào mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của tổ chức mà không sử dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất, hay triển khai dịch vụ theo mục tiêu đầu tư, ngành nghề đầu tư kinh doanh đã đăng ký, là hoạt động bán lẻ.

Việc bán hàng cho các thương nhân, tổ chức khác không sử dụng hàng hóa vào mục đích bán buôn, bán lẻ hay tiêu dùng như trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống mua thực phẩm, đồ uống về chế biến thành các món ăn, suất ăn kèm hoặc không kèm đồ uống để phục vụ khách tại chỗ hoặc đem đi là hoạt động bán buôn.

Về dịch vụ cung cấp thức ăn, đồ uống, việc kinh doanh chuỗi cửa hàng trà sữa được liệt kê vào mục tiêu hoạt động “Dịch vụ cung cấp thức ăn, đồ uống” có mã CPC 642, 643; không thuộc dịch vụ phân phối bán lẻ theo như nội dung hỏi của Công ty TNHH Luật IPIC. Theo đó, đề nghị Công ty căn cứ vào Bảng mã phân loại sản phẩm CPC của Liên Hợp quốc để xác định rõ phạm vi thực hiện các dịch vụ này.

Chinhphu.vn