In bài viết

Cơ cấu dân số “vàng”- cơ hội và thách thức

Chinhphu.vn – Việt Nam đã bước vào giai đoạn có cơ cấu dân số “vàng” và đây thực sự là cơ hội có một không hai để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nhưng từ đây cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

03/06/2010 16:22

Nâng cao chất lượng dạy nghề là một trong những giải pháp tận dụng cơ hội "vàng" hiện nay. Ảnh minh họa

Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGD), nhờ công tác kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt mà trong 25 năm qua, tỷ suất sinh của Việt Nam đã giảm rất mạnh. 

Việt Nam đã bước vào giai đoạn có cơ cấu dân số “vàng” với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn, tỷ lệ người phụ thuộc thấp. Với lợi thế so sánh là nguồn nhân lực lao động dồi dào so với các quốc gia khác, cơ cấu dân số vàng thực sự là cơ hội có một không hai để phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Cơ cấu dân số “vàng” của Việt Nam

GS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho biết: Khái niệm "Cơ cấu dân số vàng” được hiểu là khi 2 người trong độ tuổi lao động ( 15 - 60) phải “gánh” 1 hoặc ít hơn 1 người ăn theo, tức là số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi số người phụ thuộc (không nằm trong độ tuổi lao động, không có khả năng tạo ra tài sản và không tự nuôi được bản thân).

Theo GS. Nguyễn Đình Cử, trong 30 năm qua (từ cuộc tổng điều tra dân số năm 1979) đến nay, cơ cấu dân số Việt Nam theo tuổi đã thay đổi rất mạnh. Trong đó, tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động tăng thêm 16%, trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm hơn một nửa, số người già từ 65 tuổi trở lên đã tăng gấp rưỡi. Tỷ lệ số người trong nhóm tuổi từ 30-54 tuổi tăng cao đã tạo lợi thế lớn về nguồn cung lao động.

Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, nước ta đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” từ năm 2006, giai đoạn này có thể kéo dài từ 39-45 năm.

Những cơ hội

Theo các chuyên gia, cơ cấu dân số “vàng” được coi là cơ hội phát triển của một quốc gia, bởi hiện tượng này thường chỉ xuất hiện một lần trong quá trình phát triển của một cộng đồng dân cư.

Với khoảng 53 triệu người trong độ tuổi lao động, mỗi năm lại được bổ sung 1,5 triệu người nữa thì đây thực sự là tiền đề để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động tăng lên đồng nghĩa với việc năng suất lao động và khối lượng sản phẩm được tạo ra cũng tăng lên, tài sản xã hội và gia đình được đảm bảo.

Dân số nhóm tuổi từ 0-15 tuổi giảm hơn một nửa trong 30 năm qua cũng đã tạo điều kiện tốt hơn cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng, khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giảm bớt chi phí về y tế và an sinh xã hội.

Và thách thức

Do chất lượng cuộc sống ngày một tăng cao, công tác chăm sóc y tế tốt hơn đã tăng đáng kể tỷ lệ nhóm người trong độ tuổi từ trên 65 (nhóm tuổi không còn khả năng lao động) và điều này cũng kéo theo các chi phí đầu tư cho an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, với khoảng 62% dân số trong độ tuổi lao động thực sự là sức ép rất lớn về việc làm cho xã hội; chất lượng lao động của chúng ta chưa cao, số lao động được đào tạo còn thấp (chiếm 30%), trình độ tay nghề chưa cao so với nhiều nước trong khu vực cũng tạo ra sức ép cho giáo dục - đào tạo.

Thêm nữa, đối tượng nữ giới trong tuổi sinh sản cũng rất lớn nên mặc dù mức sinh đã giảm đi song sức ép về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng vì thế mà tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ vàng trong cơ cấu dân số của Việt Nam lại không đồng đều ở các vùng miền. 

Giải pháp hàng đầu: Nâng cao chất lượng lao động

 Để khai thác được cơ hội “vàng" này cho phát triển kinh tế - xã hội theo bà Nguyễn Hồng Thuận, (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chúng ta cần có chiến lược quản lý và phát triển nguồn nhân lực dồi dào của mình, điều này đòi hỏi một sự tính toán kỹ lưỡng thấu đáo về mọi mặt để có quyết sách phù hợp, đúng đắn nhất.

Cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề, phát triển việc làm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và xuất khẩu lao động cũng là giải pháp phải được quan tâm chú trọng.

Bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục người dân tích cực học tập nâng cao tay nghề, tận dụng cơ hội tốt này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, đóng góp cho xã hội.

GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, cần giáo dục mọi người theo phương châm: “Lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ, tích cực lao động và tích lũy để có thể tự chăm sóc bản thân, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho nhà nước".

Nguyệt Hà