Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2012. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước với nội dung nhằm mục tiêu thúc đẩy loại hình DN này xứng đáng là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đề án nêu lên 4 mục tiêu, thứ nhất, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực DNNN tương xứng với nguồn lực được giao.
Thứ hai, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của DNNN, nhất là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Thứ ba, bảo đảm cho Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước làm tốt vai trò công cụ góp phần điều tiết vĩ mô, định hướng sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Thứ tư, hình thành các DNNN có quy mô lớn, hầu hết đa sở hữu, nằm trong số những tập đoàn kinh tế mang tầm quốc tế.
Để thực hiện các mục tiêu này, Đề án đã nêu những giải pháp cơ bản trong việc thực hiện tái cơ cấu DNNN gồm: Tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân; Đẩy mạnh thực hiện phương án sắp xếp, trọng tâm là cổ phần hóa; Sắp xếp, đổi mới môi hình tổ chức và hoạt động của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; Thực hiện triệt để hơn phân định và tăng cường chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện quyền sở hữu theo nguyên tắc phải có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước; Tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của DN.
Bổ sung một số nội dung quan trọng cho Đề án
Phát biểu thảo luận, các thành viên Chính phủ đều cơ bản đồng tình với các nội dung mà dự thảo Đề án đề cập. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, DNNN phải vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, là công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, trong Đề án cần nêu rõ hơn về các tiêu chí đánh giá về DNNN.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng DNNN vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế trong nền kinh tế thị trường, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì vậy trong Đề án cần phân biệt rõ những ngành, lĩnh vực, sản phẩn nào của DNNN thực hiện theo nguyên tắc thị trường và những ngành, lĩnh vực, sản phẩn nào thực hiện theo nguyên tắc phi thị trường. Theo ông Trịnh Đình Dũng, nêu rõ nhiệm vụ của DNNN như vậy để kẻ xấu không thể lợi dụng nhằm kích động phủ định vai trò của DNNN đối với nền kinh tế quốc dân.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị, trong Đề án nên đề xuất thành lập một cơ quan cấp Tổng cục quản lý giám sát chung, không nên dừng lại ở việc thành lập một cơ quan đầu mối chỉ đơn thuần chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của DNNN.
Các thành viên Chính phủ, cũng đề xuất, Đề án cần làm rõ hơn những nội dung liên quan đến sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của DNNN; các giải pháp thực hiện hiệu quả tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh; việc tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của DN.
Phân định rõ nhiệm vụ của DNNN trong tái cơ cấu
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong các loại hình DNNN, có loại hình DN để nhà nước sử dụng làm công cụ can thiệp thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, có loại DNNN được thành lập vì sự phát triển của đất nước mà các DN khác không thể làm thay được, đồng thời cũng có loại DNNN được lập ra đảm bảo nhiệm vụ công ích, quốc phòng, an ninh.
Nhấn mạnh, tinh thần chung cơ cấu lại DNNN để DN làm tốt hơn vai trò của mình, hoạt động hiệu quả hơn, Thủ tướng nêu rõ, Đề án phải tách biệt rõ ràng nhiệm vụ của DNNN mà cụ thể là nhiệm vụ kinh doanh theo thị trường, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích, không để nhập nhằng giữa các nhiệm vụ của DNNN, dẫn tới dễ bị đánh giá sai lệch về vai trò của loại hình DN này.
Thủ tướng cho rằng Đề án cần xây dựng cơ chế, thể chế riêng theo từng loại DNNN trên tinh thần tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, tập trung vào những ngành nghề chính của DNNN.
Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để sớm hoàn thiện dự thảo Đề án này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc