In bài viết

Cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ 5/1/2025

(Chinhphu.vn) - Theo Nghị định 146/2024/NĐ-CP ngày 6/11/2024 vừa được Chính phủ ban hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có cơ cấu tổ chức mới gồm 25 đơn vị. Nghị định 146/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2025.

06/11/2024 19:21
Cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ 5/1/2025- Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng nước Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 146/2024/NĐ-CP ngày 6/11/2024 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17/5/2019.

Cục Phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nghị định số 146/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 102/2022/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, nhập Vụ Dự báo, thống kê và Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính. Đồng thời, bổ sung 1 đơn vị là Cục phòng chống rửa tiền.

Trước đó, theo Quyết định số 1654/QĐ-NHNN ngày 14/7/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì Cục Phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; có chức năng giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Như vậy, cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm:

1- Vụ Chính sách tiền tệ.

2- Vụ Quản lý ngoại hối.

3- Vụ Thanh toán.

4- Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

5- Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.

6- Vụ Hợp tác quốc tế.

7- Vụ Kiểm toán nội bộ.

8- Vụ Pháp chế.

9- Vụ Tài chính - Kế toán.

10- Vụ Tổ chức cán bộ.

11- Vụ Truyền thông.

12- Văn phòng.

13- Cục Công nghệ thông tin.

14- Cục Phát hành và kho quỹ.

15- Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

16- Cục Phòng, chống rửa tiền.

17- Cục Quản trị.

18- Sở Giao dịch.

19- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

20- Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

21- Viện Chiến lược ngân hàng.

22- Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.

23- Thời báo Ngân hàng.

24- Tạp chí Ngân hàng.

25- Học viện Ngân hàng.

Hệ thống tổ chức của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng

Nghị định số 146/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2019/NĐ-CP về hệ thống tổ chức của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

Theo đó, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng là cơ quan thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước, được tổ chức thành hệ thống gồm:

1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. 

2. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. 

3. Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh).  

Như vậy, so với Nghị định số 26/2014/NĐ-CP thì hệ thống tổ chức của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã được bổ sung Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng không thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền

Nghị định số 146/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 43/2019/NĐ-CP về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Cụ thể, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo hiểm tiền gửi; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng không còn thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

Cũng theo Nghị định số 146/2024/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gồm các Vụ, Cục, Văn phòng (sau đây gọi chung là các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng được ra quyết định thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao (trừ các cuộc thanh tra do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này), thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thanh tra lại

Nghị định số 146/2024/NĐ-CP quy định, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ban hành quyết định thanh tra. 

Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thanh Quang