Tại quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu và hợp đồng ban đầu ký kết giữa 2 bên đã xác định rõ hình thức thực hiện hợp đồng là theo đơn giá điều chỉnh chỉ trong trường hợp giá vé do UBND tỉnh có quy định khác hoặc giá nhiên liệu chính (ngoài ra không đề cập đến yếu tố nào khác).
Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, mức lương tối thiểu vùng tăng, chi phí tiền lương và bảo hiểm tăng theo, dẫn đến chi phí thực hiện gói thầu của đơn vị trúng thầu tăng tương ứng. Ông Đức hỏi, trong trường hợp này, tỉnh có thể bổ sung thêm yếu tố điều chỉnh đơn giá hợp đồng theo mức lương tối thiểu vùng không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Khoản 1, 2, 4 và 5, Điều 67 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng như sau:
- Việc điều chỉnh hợp đồng phải được quy định cụ thể trong văn bản hợp đồng, văn bản thỏa thuận về điều kiện của hợp đồng (nếu có).
- Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ được áp dụng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực.
- Giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt. Trường hợp dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, tổng giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm được phê duyệt.
- Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, việc điều chỉnh đơn giá được thực hiện từ thời điểm phát sinh yếu tố làm thay đổi giá và chỉ áp dụng đối với khối lượng được thực hiện theo đúng tiến độ ghi trong hợp đồng hoặc tiến độ được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều này.
Đối với trường hợp của ông Đức hỏi, nếu gói thầu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh thì việc điều chỉnh giá hợp đồng được thực hiện theo quy định nêu trên.