Ông Trần Danh sử dụng 1 thửa đất ở do hưởng thừa kế của cha mẹ (chưa làm thủ tục nhận thừa kế) thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) đã được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ vào năm 2006 và không phải nộp tiền SDĐ. Năm 2018 ông xin cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ lần đầu cho thửa đất thứ hai do cha mẹ để lại thuộc địa bàn một quận của thành phố Hà Nội.
Ông Danh hỏi, diện tích đất ở ghi trong Giấy chứng nhận quyền SDĐ cấp năm 2006 với thửa đất nêu trên có được tính là một lần đã xác định diện tích trong hạn mức để thu tiền SDĐ không? Việc xác định diện tích đất ở trong hạn mức đối với thửa đất thứ hai nêu trên được xác định như thế nào và có được áp dụng nguyên tắc cộng diện tích như quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền SDĐ quy định:
“Điều 3. Căn cứ tính tiền SDĐ
3. Giá đất tính thu tiền SDĐ:
a) Giá đất theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định áp dụng trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền SDĐ, chuyển mục đích SDĐ đối với diện tích đất ở trong hạn mức.
Việc xác định diện tích đất trong hạn mức tại Điểm này phải đảm bảo nguyên tắc mỗi hộ gia đình (bao gồm cả hộ gia đình hình thành do tách hộ theo quy định của pháp luật), cá nhân chỉ được xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở một lần và trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
... Hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai diện tích thửa đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở được áp dụng tính thu tiền SDĐ; nếu bị phát hiện kê khai gian lận sẽ bị truy thu nộp tiền SDĐ theo quy định của pháp luật đất đai và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thuế”.
Tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Chính phủ quy định:
“Điều 7. Xác định hạn mức giao đất ở để tính thu tiền SDĐ của hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận quyền SDĐ
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận thừa kế quyền SDĐ mà không phải nộp tiền SDĐ; nhận chuyển nhượng quyền SDĐ hợp pháp mà không phải nộp tiền SDĐ hoặc có giấy tờ hợp lệ về quyền SDĐ, nay được cấp đổi Giấy chứng nhận thì không được tính là một lần đã xác định diện tích đất trong hạn mức để tính thu tiền SDĐ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Ví dụ 3:
Năm 2012, ông A được bố mẹ thừa kế cho một thửa đất 250 m2, đã được cấp Giấy chứng nhận và nộp đủ tiền SDĐ nên ông A chỉ làm thủ tục chuyển tên trên Giấy chứng nhận mà không phải nộp tiền SDĐ. Ngoài ra, ông A chưa được xác định diện tích đất trong hạn mức để tính thu tiền SDĐ của thửa đất nào.
Năm 2015, ông A làm thủ tục xin chuyển mục đích SDĐ đối với 200 m2 đất nông nghiệp, có nguồn gốc được Nhà nước giao đất năm 2004 theo quy định của pháp luật về đất đai sang đất ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích SDĐ thì ông A được xác định diện tích đất trong hạn mức để xác định giá đất tính thu tiền SDĐ khi chuyển mục đích SDĐ đối với thửa đất trên”.
Chinhphu.vn