Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định 93/2017/NĐ-CP về việc sử dụng và quản lý quỹ đầu tư phát triển: “3. Quỹ đầu tư phát triển dùng để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và đổi mới công nghệ trang thiết bị, điều kiện làm việc của tổ chức tín dụng và bổ sung vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng. Căn cứ vào nhu cầu đầu tư và khả năng của quỹ, tổ chức tín dụng quyết định hình thức và biện pháp đầu tư theo nguyên tắc có hiệu quả, an toàn và phát triển vốn”.
Qua quá trình hoạt động, đơn vị ông Đức đang có tích lũy quỹ đầu tư phát triển, nay muốn sử dụng quỹ này để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, khi đơn vị ông làm thủ tục để trình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại địa phương chấp thuận việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ thì được trả lời, việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ chưa có hướng dẫn thực hiện từ Bộ Tài chính nên không chấp thuận cho thực hiện.
Ông Đức hỏi, Nghị định số 93/2017/NĐ-CP cho phép sử dụng quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ, Thông tư số 20/2018/TT-BTC quy định quỹ tín dụng nhân dân thực hiện quản lý và sử dụng các quỹ theo quy định tại Điều 22, Điều 24 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP thì có cần phải có hướng dẫn của Bộ Tài chính mới thực hiện được việc tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển hay không? Việc chi nhánh ngân hàng Nhà nước không chấp thuận với lý do chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính có đúng không? Điều kiện, trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển tại quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước quy định:
“Quỹ đầu tư phát triển dùng để đầu tư mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và đổi mới công nghệ trang thiết bị, điều kiện làm việc của tổ chức tín dụng và bổ sung vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng. Căn cứ vào nhu cầu đầu tư và khả năng của quỹ, tổ chức tín dụng quyết định hình thức và biện pháp đầu tư theo nguyên tắc có hiệu quả, an toàn và phát triển vốn”.
Điều 9 Thông tư số 20/2018/TT-BTC ngày 12/2/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân quy định quỹ tín dụng nhân dân thực hiện phân phối lợi nhuận, quản lý và sử dụng các quỹ theo quy định tại Điều 22 và Điều 24 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.
Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện các thủ tục thay đổi mức vốn điều lệ (Điểm b Khoản 1); việc thay đổi mức vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Khoản 3).
Tại Văn bản hợp nhất số 44/VBHN-NHNN ngày 5/12/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quỹ tín dụng nhân dân quy định:
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh của Thông tư áp dụng đối với việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, địa bàn hoạt động, quản trị, điều hành, kiểm soát, vốn điều lệ, vốn góp, chuyển nhượng vốn góp, hoàn trả vốn góp, thành viên, đại hội thành viên, hoạt động và quyền hạn, nghĩa vụ của quỹ tín dụng nhân dân.
Điều 10, Điều 11, Điều 12: Quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân.
Khoản 2 Điều 26: Quy định việc thay đổi vốn điều lệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, Thông tư số 20/2018/TT-BTC, việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo nguyên tắc có hiệu quả, an toàn và phát triển vốn.
Điều kiện, trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển tại quỹ tín dụng nhân dân thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.