Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời phản ánh của ông Lê Phú Khánh trú tại xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình về việc thu thêm chi phí lắp đặt và tiền đồng hồ đo nước.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân 17 xã: Bắc Sơn, Dân Chủ, Duyên Hải, Điệp Nông, Đông Đô, Đoan Hùng, Hùng Dũng, Thống Nhất, Tây Đô, Văn Cẩm, Tân Tiến, Cộng Hòa, Hòa Tiến, Liên Hiệp, Tân Hòa, Tân Lễ và Canh Tân, huyện Hưng Hà của Công ty CP nước sạch Hưng Hà được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 3398/QĐ-UBND và Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 và quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh tại Quyết định số 2540/QĐ-UBND ngày 20/9/2016. Dự án có nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ cho các hộ dân nơi ông Lê Phú Khánh sinh sống và các xã lân cận.
Đẩy mạnh chương trình nước sạch nông thôn, cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm để bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao đời sống của nhân dân. Việc triển khai thực hiện chương trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh.
Chủ trương xã hội hoá đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư công trình cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh được chỉ đạo, ban hành kịp thời, phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước, đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn.
Tại Khoản 3, Điều 42, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ quy định “đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đẩu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước”.
Tuy nhiên, để khuyến khích tạo điều kiện cho Nhà đầu tư huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn, tại Khoản 3, Điều 4, Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn quy định “các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước”.
Như vậy, việc huy động tiền đóng góp của người dân sử dụng nước sạch phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước và của tỉnh. Mức huy động tiền đóng góp để xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn phụ thuộc vào quy mô đầu tư từng dự án và trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng nước sạch, có trong nội dung hợp đồng cung cấp nước sạch theo quy định của pháp luật.
Do đó, mức huy động tiền đóng góp của người sử dụng nước sạch của mỗi dự án là khác nhau.
Chinhphu.vn