In bài viết

Có được nghỉ phép trong thời gian tập sự?

(Chinhphu.vn) – Ông Trần Trí (Trà Vinh) trúng tuyển viên chức Trung tâm Y tế huyện. Ngày 1/7/2020, ông ký hợp đồng làm việc 12 tháng, trong đó thời gian tập sự là 9 tháng.

18/11/2020 07:02

Ông Trí hỏi, trong thời gian này ông có được nghỉ phép năm không? Nếu có thì mỗi tháng ông có được nghỉ 1 ngày phép có đúng không? Nếu thời gian này ông chưa được nghỉ phép thì đủ thời gian tập sự 9 tháng hay đủ 12 tháng ông mới được nghỉ phép?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Điều 111 và Điều 114 Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020) quy định về nghỉ hằng năm (nghỉ phép) như sau: Người lao động có đủ 12 tháng làm việc trong điều kiện bình thường cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 12 ngày làm việc.

Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định, thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Sắp tới, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 thay thế Bộ luật Lao động 2012. Tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 tiếp tục quy định:

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc trong điều kiện bình thường cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 12 ngày làm việc;

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc;

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần;

Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ (điểm khác với Điều 114 Bộ luật Lao động 2012 là người lao động đang làm việc nếu chưa nghỉ hết ngày nghỉ phép không được thanh toán bằng tiền).

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp ông Trần Trí sau khi trúng tuyển vào viên chức Trung tâm Y tế huyện đã ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 1/7/2020. Đến ngày 1/7/2021 ông làm việc đủ 12 tháng (trong đó có thời gian tập sự 9 tháng) thì được nghỉ 12 ngày phép hưởng nguyên lương. Trong thời gian làm việc theo hợp đồng ông Trí có thể thoả thuận với Giám đốc Trung tâm Y tế để nghỉ phép của năm thành nhiều lần, hoặc nghỉ một lần 12 ngày phép vào thời điểm trước khi kết thúc thời hạn của hợp đồng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020), sửa đổi, bổ sung Điều 25 của Luật Viên chức 2012 thì, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 1/7/2020. Nếu đến ngày 1/7/2021, ông Trí được ký hợp đồng làm việc có thời hạn thứ hai, ông có thể thỏa thuận với đơn vị sử dụng viên chức để nghỉ phép của năm thành nhiều lần, hoặc nghỉ một lần, hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.