Ông Hưng hỏi, năm 2012, người được ủy quyền có được căn cứ vào Giấy ủy quyền chỉ có một bên ký tên để thay mặt bên ủy quyền thực hiện việc ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất không? Nếu được sử dụng giấy ủy quyền để thực hiện việc ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế quyền sử dụng đất thì căn cứ theo quy định nào của pháp luật? Nếu không được sử dụng giấy ủy quyền để thực hiện việc ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế quyền sử dụng đất thì theo quy định tại văn bản nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Phạm Văn Hưng như sau:
Vào thời điểm năm 2012, việc chứng thực chữ ký được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 30/6/2007; hết hiệu lực ngày 10/4/2015).
Khoản 6 Điều 2; Khoản 2 Điều 3 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định, “chứng thực chữ ký” là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định và đóng dấu của UBND cấp xã.
Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền, nội dung ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền, đại diện cho mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi ủy quyền nêu tại giấy ủy quyền.
Vào thời điểm năm 2012, việc chứng thực chữ ký tại UBND cấp xã được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền.
Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, cá nhân yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác; giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký vào đó. Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực phải ghi rõ ngày, tháng, năm chứng thực; địa điểm chứng thực; số giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu chứng thực, ngày cấp, nơi cấp; chữ ký trong giấy tờ, văn bản đúng là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; sau đó ký và ghi rõ họ, tên và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Người được ủy quyền không được là một trong những người thừa kế
Ông Phạm Văn Hưng hỏi, vào thời điểm năm 2012, căn cứ giấy ủy quyền do một bên người ủy quyền ký tên được UBND chứng thực, người được ủy quyền có được đại diện người ủy quyền thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và đại diện người ủy quyền ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất hay không?
Nghị định số 79/2007/NĐ-CP có quy định về thủ tục chứng thực chữ ký, nhưng không có quy định cụ thể về điều kiện chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Vì vậy, giấy ủy quyền do người ủy quyền đơn phương lập thời điểm năm 2012, có nội dung ủy quyền cho người khác đại diện mình thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; được người có thẩm quyền chứng thực chữ ký, thì người được ủy quyền có thể đại diện cho người ủy quyền thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và đại diện cho người ủy quyền ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất.
Cùng thời điểm đó, theo quy định tại Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự 2005 (có hiệu lực ngày 1/1/2006, hết hiệu lực ngày 1/1/2017) thì, người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Ông Phạm Văn Hưng phản ánh, bố mẹ ông khi chết không để lại di chúc. Bố mẹ ông Hưng sinh được 7 người con chung, không có con riêng, con nuôi. Ông bà nội, ông bà ngoại của ông Hưng đều đã chết. Như vậy, những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ ông Hưng là 7 anh em ông Hưng.
Do điều kiện làm việc ở xa, không thể về quê để cùng những người thừa kế khác thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại. Năm 2012, ông Hưng đã lập giấy ủy quyền có UBND phường thuộc tỉnh Đồng Nai chứng thực chữ ký, để ủy quyền cho người anh cả (là một trong 7 người thừa kế theo pháp luật) đại diện cho ông Hưng thỏa thuận với những người thừa kế theo pháp luật và ký tên vào Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế 800m2 đất.
Theo luật sư, việc những người thừa kế thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là giao dịch dân sự giữa những người thừa kế theo pháp luật để phân chia tài sản của người chết để lại.
Trường hợp người anh cả của ông Hưng vừa tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với tư cách cá nhân người thừa kế, vừa đại diện cho ông Hưng thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với chính mình và những người thừa kế khác là trái với quy định tại Khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự 2005. Vì thế, thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế này (nếu đã được thực hiện) khi có yêu cầu xem xét tính hợp pháp có thể bị tuyên bố vô hiệu.
Hiện nay, theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/4/2015, tình trạng còn hiệu lực) thì thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền, khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Không có thù lao; không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền; không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản, vì vậy không thể chúng thực chữ ký đối với giấy ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Theo Khoản 3 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 3/3/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì việc ủy quyền cho người khác tham gia phân chia, định đoạt quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Các bên phải xác lập hợp đồng ủy quyền và thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật.
Để ủy quyền cho người khác đại diện cho mình thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, cần đến tổ chức hành nghề công chứng lập hợp đồng ủy quyền. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, tình trạng còn hiệu lực), trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, tình trạng còn hiệu lực) thì một cá nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Vì điều kiện không thể trực tiếp tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người thừa kế có thể lập hợp đồng ủy quyền để ủy quyền cho người khác đại diện cho mình, trừ trường hợp người đại diện theo ủy quyền là một trong những người thừa kế theo pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội