In bài viết

Có gì mới trong quy hoạch ngành than?

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương vừa công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Theo đó, trong thời gian tới ngành than sẽ giảm cả về nhu cầu vốn lẫn sản lượng.

31/08/2016 16:57

Buổi công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam.
Giảm vốn đầu tư kéo theo giảm sản lượng

Trong bản điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than vừa được công bố, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 17.930 tỷ đồng/năm; trong đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 95.000 tỷ đồng (bình quân hơn 19.000 tỷ đồng/năm); Giai đoạn 2021-2030 nhu cầu vốn đầu tư hơn 172.000 tỷ đồng (bình quân 17.000 tỷ đồng/năm).

Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng được thu xếp từ các nguồn tự có, vốn vay thương mại, vay ưu đãi và huy động qua các kênh chứng khoán...

Tuy nhiên, tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/1/2012 (Quy hoạch 60), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 690.973 tỷ đồng (bình quân 34.549 tỷ đồng/năm). Riêng giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư khoảng 109.156 tỷ đồng (bình quân 21.831 tỷ đồng/năm).

Như vậy, mức giảm vốn đầu tư đến năm 2030 của ngành than so với quy hoạch cũ lên tới 421.970 tỷ đồng.

Giải thích về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù việc thực hiện quy hoạch 60 thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước nhưng trước sự phát triển của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như nhiệt điện, xi măng... đã có nhiều thay đổi, do vậy bản quy hoạch cũng cần có sự cập nhật cho phù hợp với thực tế.

Cùng với việc điều chỉnh vốn, sản lượng than thương phẩm trong bản quy hoạch mới sẽ giảm rất mạnh, cụ thể khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.

Trước đó, Quy hoạch 60 đã đặt ra mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Như vậy, theo điều chỉnh quy hoạch mới thì sản lượng ngành than sẽ giảm khoảng 10-15 triệu tấn theo từng giai đoạn.

Phấn đấu giảm tổn thất than khi khai thác

Một điểm mới được nêu ra trong bản quy hoạch mới lần này đó là có riêng một mục về việc giảm tổn thất than. Cụ thể, ngành than phấn đấu đến 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020...

Trước đó, theo báo cáo của Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam (TKV), vào những năm 1990, tình trạng tổn thất than (gồm lộ thiên và hầm lò) trong khai thác lên đến 20%. Trong đó, các mỏ lộ thiên thất thoát 10-13%, hầm lò còn lên tới 40- 50%. Thậm chí, có những mỏ cao hơn vì điều kiện địa chất phức tạp không thể khai thác được.

Từ năm 2000 đến nay, Tập đoàn đã đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cơ giới hóa khai thác, mức độ tổn thất than ở các mỏ lộ thiên đã giảm còn 6%, hầm lò giảm dưới 30%. Do đó, TKV đã tận thu thêm khoảng 15 triệu tấn than. Tuy nhiên, theo đánh giá của của các chuyên gia, con số tổn thất hiện nay vẫn còn cao.

Về trữ lượng và tài nguyên than, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, tính đến nay, tổng trữ lượng và tài nguyên than khoảng 48,88 tỷ tấn gồm 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên; trong đó, trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn gồm 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên.

“Quan điểm phát triển tại quy hoạch này là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của ngành; nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than...”, ông Nguyễn Khắc Thọ nói.

Liên quan đến việc ngành than đang đối mặt với than nhập khẩu giá rẻ, Lãnh đạo Tổng cục Năng lượng cũng khẳng định, mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng các doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện cũng khuyến khích nhập khẩu than và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của TKV.

Phan Trang