In bài viết

Cơ hội mới của nước mắm Phú Quốc

(Chinhphu.vn) - Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được trao chứng nhận bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU.

26/07/2014 15:36
Đây là niềm tự hào cho thương hiệu Việt Nam, đồng thời mở ra một thời kỳ mới về phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.

Theo giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO), các sản phẩm nước mắm Phú Quốc chính hiệu có 3 loại tem, đó là tem về mã số sản phẩm (được dán trên cổ chai), logo chung về Phú Quốc và logo dán chỉ dẫn địa lý của châu Âu. Trong đó, tem về mã số sản phẩm sẽ được cấp theo tên của từng doanh nghiệp khi đạt các tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý.

Tại Hội thảo Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Bryan Fornari, Phó Ban hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm nước mắm sản xuất và đóng chai ở nơi khác sẽ không được kinh doanh, buôn bán tại thị trường 28 nước trong EU với tên gọi nước mắm Phú Quốc nữa. Đây cũng là cơ sở để EU xử lý các vi phạm xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý Phú Quốc trên lãnh thổ EU. Nếu các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc có tranh chấp về thương hiệu với các nhà sản xuất nước khác thì doanh nghiệp Việt Nam có thể kiện lên Tòa án Công lý châu Âu. Bên cạnh đó, tại EU, nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc sẽ có cơ hội để bán với giá tốt hơn.

Theo ông Bryan Fornari, giấy chứng nhận PDO chỉ là bước đầu để nước mắm Phú Quốc tiếp cận tốt hơn và sinh lợi tại thị trường EU. “Việt Nam cần phải nghiên cứu tìm ra cách làm sao cho chứng chỉ PDO có thể đem lại lợi nhuận thông qua một chiến lược tiếp thị hiệu quả cho phép thương hiệu sản phẩm trở nên nổi tiếng bởi chất lượng của chính sản phẩm đó. Đây là một thách thức còn đang ở phía trước”, ông Bryan Fornari nhấn mạnh.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phú Quốc cảm thấy vui mừng khi chỉ dẫn địa lý cho “sản phẩm thuần Việt” này được hình thành và công bố rộng rãi.

Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc chia sẻ, sau khi nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại EU, xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang EU đã tăng trưởng ấn tượng. “Hiện có 4 doanh nghiệp nước mắm tại Phú Quốc xuất khẩu vào EU, tăng thêm 2 doanh nghiệp so với trước. Sản lượng xuất khẩu vào thị trường này cũng tăng mạnh so với trước, khoảng 10-12% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc”, bà Tịnh nói thêm.

Từ ngày 15/8, tỉnh Kiên Giang sẽ kết hợp với các tỉnh trên cả nước kiểm tra chất lượng và nhãn đăng ký nước mắm Phú Quốc.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam cũng khẳng định trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải xây dựng một hệ thống thể chế phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý. Cộng đồng sản xuất phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm có chất lượng, minh bạch về thông tin.

"Đối với các DN kinh doanh, phân phối thì việc kinh doanh, phân phối sản phẩm nước mắm đủ điều kiện được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc không chỉ đơn giản là lợi ích về thương mại, mà đó còn là trách nhiệm về khía cạnh pháp luật, là sự đóng góp cho sự phát triển chung của chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nói riêng và chỉ dẫn địa lý Việt Nam nói chung".

Công Trí (tổng hợp)