In bài viết

Cơ hội quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam với thế giới

(Chinhphu.vn)- Hàng trăm đại biểu là các dịch giả, nhà văn, nhà thơ của 32 quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ 2 từ ngày 5-10/1/2010 tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây là cơ hội quí giá để quảng bá các tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế.

05/01/2010 11:26

Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn

Sau Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức năm 2002, Hội nghị lần này được tổ chức có quy mô lớn với nhiều điểm mới hơn, nhằm tập hợp, đoàn kết đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam (VN) trong và ngoài nước, chọn giới thiệu được những tác phẩm tiêu biểu của VN ra với thế giới.

Trước thềm Hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong Hội nghị này, các khách mời gồm các dịch giả, nhà văn đã viết về VN, các giáo sư, nhà nghiên cứu đã từng giảng dạy và nghiên cứu về văn học VN trên thế giới, các sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước đang học tập tại VN. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn mời rất nhiều dịch giả VN đang sống ở nước ngoài và những người tâm huyết trong việc giới thiệu văn học VN. Hội Nhà văn Việt Nam cũng mời 20 nhà xuất bản lớn trên thế giới tham dự.

Ngay tại Hội nghị này, sẽ có những ký kết hợp tác giữa các nhà văn VN và các nhà xuất bản lớn trên thế giới để bắt tay ngay vào việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học VN.

Ông Hữu Thỉnh cũng không phủ nhận một thực tế là sau Hội nghị lần thứ nhất, đã có nhiều tác phẩm văn học của nước ta được dịch ra thế giới. Tuy nhiên nếu so với số lượng tác phẩm văn học thế giới được dịch ra tiếng Việt thì những tác phẩm văn học của chúng ta được giới thiệu với bạn bè quốc tế còn khá khiêm tốn.

Lý do mà ông Hữu Thỉnh nêu ra là do khó khăn về ngôn ngữ, về mặt kinh nghiệm tổ chức, nhưng có nguyên nhân chủ quan là là chúng ta chưa chủ động, chưa tích cực, đặc biệt là chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể về việc giới thiệu các tác phẩm văn học nổi tiếng của chúng ta ra nước ngoài. Thứ hai là chúng ta chưa nắm được các nguồn lực. Nhiều người rất muốn đến với chúng ta nhưng chúng ta chưa sẵn sàng hoặc chúng ta chưa biết đến. Việc một số nhà xuất bản đến với chúng ta là do họ tự thân vận động, tự phát là chủ yếu và chúng ta cũng chưa có một cơ quan đặc trách về vấn đề này...

Để tháo gỡ những vướng mắc nói trên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, cần đẩy mạnh quá trình dịch thuật các tác phẩm lớn của văn học VN ra nước ngoài bằng cách giúp các dịch giả tiếp cận đúng tác phẩm hay cùng với việc hỗ trợ kinh phí cho các dịch giả và các nhà xuất bản. Đây cũng là kinh nghiệm của nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc... mà chúng ta cần học tập.

Việc trước tiên mà Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiến hành sau Hội nghị là lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất về văn học cổ, văn học hiện đại, tác phẩm của một số tác giả tiêu biểu được giải thưởng Hồ Chí Minh để các đối tác nước ngoài lựa chọn nhằm xuất bản được những tác xuất sắc, tiêu biểu của  văn học VN, của  văn hóa VN đến với độc giả thế giới.

                                                                                                                              Hồng Nguyên