In bài viết

Cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển

(Chinhphu.vn) - Việc nâng thời gian lưu trú và tăng thêm các nước được cấp thị thực, nhất là thị thực điện tử là cơ hội để Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, để khách du lịch quốc tế sẵn sàng đến với Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển.

28/03/2023 17:39
Cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển - Ảnh 1.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy (đứng) trao đổi thông tin về du lịch - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Tín hiệu vui cho doanh nghiệp du lịch và khách quốc tế

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay với kỳ nghỉ dài ngày được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch Việt Nam sau thời gian dịch bệnh kéo dài. Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023 vừa diễn ra ngày 27/3, các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ. 

Đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang ưu tiên thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các thị trường lân cận như Thái Lan hay Singapore.

Đề cập đến vấn đề này, tại cuộc họp báo thông tin về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 tổ chức sáng nay (28/3), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch.

Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau.

Đồng thời, đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với chúng ta.

"Sự cạnh tranh để phát triển du lịch của các nước trong khu vực rất khắc nghiệt. Do vậy, Chính phủ mạnh dạn đề xuất với Quốc hội để nâng thời gian lưu trú và tăng thêm các nước để chúng ta cấp visa và thị thực, nhất là thị thực điện tử là cơ hội để chúng ta cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, để khách du lịch quốc tế sẵn sàng đến với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển", ông Phạm Văn Thủy chia sẻ.

Đón đầu sự tăng trưởng của ngành du lịch trong thời gian tới trước những thuận lợi này, ông Phạm Văn Thủy cho biết, ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch sẽ phải có trách nhiệm truyền thông các chính sách đến với tất cả các doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam, kể cả thị trường gửi khách và thị trường đón khách của chúng ta để họ hiểu biết và nắm sâu hơn về các chính sách của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch đưa khách đến với Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách đến khám phá.

Thêm một tín hiệu vui trong 3 tháng đầu năm là lượng khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam tăng trưởng khả quan, trong đó chúng ta đã đón khoảng hơn 2 triệu khách quốc tế.

"Từ kết quả 3 tháng đầu năm nay và sự chuẩn bị cho mùa du lịch trong bối cảnh năm nay chúng ta có nhiều sự kiện văn hóa lớn thì mục tiêu 8 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam mà ngành du lịch đặt ra chắc chắn khả thi", ông Phạm Văn Thủy nói.

Cần làm mới các sản phẩm du lịch và quà tặng du lịch

Một mục tiêu nữa mà ngành du lịch hướng đến là tăng mức chi tiêu của khách quốc tế đến với Việt Nam. Đây chính là mục tiêu để chúng ta thu hút thêm ngoại tệ, từ đó giảm lạm phát trong nước và có dự trữ ngoại tệ, tăng ngân sách cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Do vậy, theo ông Phạm Văn Thủy, cần phải làm mới các sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách, qua đó, tăng được chi tiêu của khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm quà tặng cũng là một yếu tố mà các địa phương, các điểm đến du lịch cần phải nghiên cứu và xây dựng ra sản phẩm.

Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, chúng ta có 54 dân tộc với 54 nền văn hóa đa dạng. Do vậy, mỗi một địa phương cần phải xây dựng một sản phẩm quà tặng đặc sắc, chuyên biệt riêng có của địa phương mình. Và để xây dựng được sản phẩm quà tặng với những tiêu chí đó cần thông qua các doanh nghiệp để biết nhu cầu của khách hàng, từ đó thiết kế và xây dựng nên sản phẩm.

Đầu tư cho du lịch văn hóa để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trong tháng 4 này, sự kiện được các doanh nghiệp du lịch mong chờ đó chính là Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023. Đây cũng là dịp để kích cầu du lịch với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc và sáng tạo của ngành du lịch. 

Lần này, "Du lịch văn hóa" sẽ là chủ đề của VITM Hà Nội 2023, nhằm đưa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới. 

 Theo ông Phạm Văn Thủy, văn hóa đi đến đâu thì quốc gia, dân tộc đi đến đó. Do vậy phát triển văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. 

"Chúng ta đã lưu giữ được các di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc khai thác các di sản văn hóa trở thành hàng hóa văn hóa để phát triển du lịch là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên công tác này hiện nay còn khiêm tốn so với tiềm năng", ông Phạm Văn Thủy đánh giá. 

 Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, nếu như tất cả các doanh nghiệp du lịch chỉ chú trọng về kinh tế mà quên đi văn hóa thì chắc chắn sẽ phải trả giá về môi trường, về văn hóa, về tương lai của đất nước. Đồng thời lưu ý phải sử dụng nền tảng của văn hóa trở thành tài nguyên để phát triển du lịch, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa thông qua văn hóa, từng bước gắn hàng hóa văn hóa đó trở thành một nội dung của phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch. 

Việt Nam có 7.988 lễ hội và cũng từng đó tài nguyên văn hóa liên quan đến các di sản văn hóa của Việt Nam. Chúng ta sử dụng những tài nguyên văn hóa đó phát triển du lịch.

Du lịch khám phá các di sản văn hóa, khám phá văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo ra các gói sản phẩm du lịch văn hóa bản sắc, độc đáo, sáng tạo, để du khách hứng thú tìm hiểu, ghi nhớ góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Diệp Anh