Điểm 5, Điều 15, Mục 5 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đối với đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác quy định: "Một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi đơn vị phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, gồm: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc; tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tài nhà riêng và điện thoại di động; chế độ công tác phí nước ngoài; chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam".
Mục 2, Khoản 6 Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư 145/2017/TT-BTC có hướng dẫn về sử dụng điện thoại: "… - Về sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động: Tiêu chuẩn trang bị điện thoại và chi phí mua máy điện thoại, chi phí lắp đặt và hòa mạng đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Riêng mức thanh toán tiền cước phí điện thoại, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chi phí điện thoại có thể xây dựng mức cao hơn hoặc thấp hơn so với quy định.
Đối với trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động theo quy định trên, nhưng trong thực tế xét thấy cần thiết phải trang bị để phục vụ công việc chung thì Thủ trưởng đơn vị được mở rộng đối tượng được cấp tiền để thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại cho phù hợp (riêng tiền mua máy, chi phí lắp đặt và hòa mạng máy do cá nhân phải tự thanh toán)".
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nam đề nghị giải đáp: Khu công nghiệp Thốt Nốt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên trực thuộc Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ. Căn cứ các văn bản hướng dẫn trên, Trung tâm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt có được khoán tiền điện thoại di động cao hơn mức quy định 100.000 đồng - 250.000 đồng/tháng theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 đối với chức danh được hưởng theo tiêu chuẩn không?
Đối với các trường hợp còn lại không đủ tiêu chuẩn nhưng do công việc cần thiết phải sử dụng điện thoại để liên lạc thì Trung tâm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt,có được khoán tiền cước sử dụng điện thoại hàng tháng cho cán bộ công nhân viên theo hướng dẫn tại Điểm 5, phụ lục số 01 nêu trên không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Trung tâm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên. Theo đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Nghị định số 141) quy định: Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên: “Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết đinh mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyển ban hành và được quy định trong quy chế chi tỉêu nội bộ của đơn vị”.
Tại Khoản 4, Khoản 6 Điều 15 Thông tư số 145/2017/TT-BTC quy định: “Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoán khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoản được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định”.
Theo đó, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị quyết định mức chi điện thoại di động và quyết định phương thức khoán chi phí điện thoại di dộng cho từng cá nhân, bộ phận theo quy định nêu trên.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định: Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên: “Đối với các nội dung chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo quy chế chi tiêu nội bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
Điểm 5 Khoản 2 Phụ lục 01 Thông tư số 145/2017/TT-BTC quy định: “Đối với trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động theo quy định trên, nhưng trong thực tế xét thấy cần thiết phải trang bị để phục vụ công việc chung thì Thủ trưởng đơn vị được mở rộng đối tượng được cấp tiền để thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại cho phù hợp (riêng tiền mua máy, chi phí lắp đặt và hòa mạng máy do cá nhân phải tự thanh toán)”.
Tại Khoản 4, Khoản 6 Điều 15 Thông tư số 145/2017/TT-BTC quy định: “Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoán khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán được xác định chênh ỉệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định”.
Theo đó, đối với trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại theo quy định, nhưng trong thực tế xét thấy cần thiết phải trang bị để phục vụ công việc chung thì đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để làm căn cứ thực hiện và khoán theo quy định nêu trên.
Chinhphu.vn