In bài viết

Có một bà má như thế

(Chinhphu.vn) - Mất mát vì chiến tranh nhiều vô vàn song có lẽ sự mất mát của những người mẹ là vết thương lòng khó lành nhất.

20/04/2015 10:08

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thanh Tùng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tại Hội nghị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, ngày 14/4. Ảnh: VGP
Má Nguyễn Thanh Tùng năm nay đã 86 tuổi, là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, đã từng tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống quân xâm lược.

Gia đình má có 8 người anh trai, chỉ có mình mẹ là gái nên được ba đặt giống tên con trai là Nguyễn Thanh Tùng. Ba má của má hy sinh sớm, các anh của má đều theo kháng chiến từ nhỏ. Cả 8 người anh của má đều hy sinh, bốn người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và 4 người anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Khi còn nhỏ má đã làm giao liên, đưa thư cho cơ sở cách mạng. Lớn lên má vào Đội biệt động thành Sài Gòn hoạt động. Trong quá trình công tác, má gặp và kết hôn với người bảo vệ của đồng chí Phạm Hùng là ông Phạm Văn Tám. Niềm vui đến với gia đình khi má sinh hạ hai người con trai tuấn tú khỏe mạnh là Phạm Quốc Nam (1955) và Phạm Quốc Trung (1957).

Má kể rằng má sinh hai con đều trong lòng địa đạo. Tiếp bước truyền thống gia đình, ngày từ lúc rất nhỏ, chưa được 10 tuổi, các anh đã theo cách mạng, trở thành giao liên quan trọng trong nội thành. Còn mẹ do nhiệm vụ cách mạng nên rất ít được gặp chồng và hai người con.

Trong vỏ bọc của một đại úy hải quân, má Tùng đã tham gia đội biệt động đánh nhiều trận trong nội thành Sài Gòn, diệt nhiều ác ôn, gây hoang mang cho địch ngay trong hang ổ của chúng. Người nữ chiến sĩ biệt động ấy không chỉ xây dựng nhiều cơ sở trong lòng địch, diệt nhiều tên ác ôn mà đã thực hiện nhiều chuyến đưa vũ khí vào nội thành với hơn 1.000 kg thuốc nổ. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, má đã thực hiện nhiệm vụ cướp xe địch, lấy vỏ bọc của nhân viên công tác xã hội, đem hàng chục chiến sĩ quân giải phóng bị thương khi đánh vào Đài phát thanh thành phố và bị kẹt lại về tuyến sau chữa trị. Mùa xuân năm 1975, bất chấp sự theo dõi gắt gao của địch, má đã cùng đồng đội tích cực vận động quần chúng nổi dậy, bao vây cướp trụ sở quận, kêu gọi quân ngụy đầu hàng.

Má rất hạnh phúc vì cả gia đình đều phụng sự cho cách mạng, nhưng có hạnh phúc nào trọn vẹn khi kẻ thù xâm lược vẫm còn hiện diện trên đất nước. Nỗi đau của má đến đầu tiên khi chồng má hy sinh trong đợt tiến công mùa Xuân năm 1968. Và hai người con trai của vị nữ anh hùng kia đã cũng đã ngã xuống ngay trên cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, hai đơn vị của các anh cùng làm nhiệm vụ chốt giữ cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ đông bắc Sài Gòn. Sau 7 năm làm nhiệm vụ ở hai trận tuyến khác nhau, hai anh em mới được gặp nhau. Anh Trung, người con út liền viết thư gửi về cho má: “Con được gặp anh Hai rồi. Má có khỏe không? Chừng nào đánh hết Mỹ, anh em con mới về gặp má được. Má vui chứ đừng có buồn nghen, ba con hy sinh rồi thì còn anh em con chiến đấu. Má vui, má khỏe, má ráng cố gắng, thế nào tụi con cũng về gặp má…”. Má đâu ngờ, đó là bức thư cuối cùng nhận được từ các con.

Ngày hay tin hai người con mình hy sinh, má đã ngất lịm trong nỗi đau mất mát quá lớn, đến sáng hôm sau mới tỉnh lại.

Hạnh phúc và mất mát

Má kể rằng, trong ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đúng 7 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, đơn vị của má đã cắm được cây cờ mặt trận trên tòa nhà hành chính quận 9 TPHCM. Từ lúc đó, lực lượng tràn ra khắp nơi, nhân dân chạy ra reo hò vui mừng khôn xiết.

"Lúc đó, tôi vui quá không nói được gì chỉ biết liên tục hét lên thật to: Trời đất ơi! Đồng bào ơi! Giải phóng rồi, giải phóng về rồi. Tôi lại tiếp tục chuyển quân chạy tiếp vào trong nội thành. Đúng 11 giờ 30 phút, bộ đội vào chúng tôi giao lại cơ sở. Buổi chiều của ngày chiến thắng, mấy anh em gặp nhau chỉ biết ôm nhau cười trong sự vui sướng hạnh phúc vì sau bao nhiêu năm bị bức bách, nay đất nước đã hoàn toàn được giải phóng.

Sau những phút giây hạnh phúc cùng niềm vui chung của dân tộc, má lại lắng đọng nỗi xót xa cuộc đời riêng, cha mẹ, anh em, chồng và con đều đã hy sinh cho 2 cuộc trường chinh của dân tộc. Đã có lúc má tưởng như không thể sống tiếp, nhưng rồi nghị lực và phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ kiên trung khiến má không thể gục ngã. Đến nay, má Tùng dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn tinh anh, nhanh nhẹn, ve áo đeo quân hàm trung tá quân đội, ngực lấp lánh những tấm huân, huy chương, gương mặt phúc hậu, luôn mỉm cười khi trò chuyện khiến ai gặp má cũng thấy rất gần gũi, xúc động và tự hào vì hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hội tụ trong má.

Phương Liên