In bài viết

Có một Tây Sơn ở Gia Lai (Kỳ 1)

Nói đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất thuộc xã Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nhưng người dân Gia Lai truyền miệng với nhau rằng, cuộc dựng cờ của ba anh em nhà họ Nguyễn lại được thực hiện trên vùng đất huyện An Khê của tỉnh Gia Lai. Nơi đây ngày nay vẫn còn nhiều dấu tích cùng truyền thuyết của cuộc hưng binh năm 1711 đánh đổ triều đinh Lê – Trịnh mục ruỗng, và đánh đuổi quân Thanh, làm nên cuộc chiến thắng mùa Xuân Ất Dậu 222 năm trước.

08/02/2011 14:49

Kỳ 1: Một thời oai linh hiển hách

Hàng năm, đúng vào dịp mùng 4 Tết Nguyên đán, tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử tại quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (tọa lạc tại phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Vào những ngày đầu của năm mới, du khách gần xa đến với Tây Sơn Thượng đạo là đến với không khí những buổi đầu dựng cờ lập nghiệp của nghĩa quân Tây Sơn – một thời kỳ lịch sử hào hùng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Vị trí đắc địa

Theo sử sách, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, gồm cả phần đất phía Tây và phía Đông đèo An Khê (một con đèo dài và tương đối hiểm trở, nơi giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Bình Định). Phần đất phía Đông địa hình thoai thoải, gọi là Tây Sơn Hạ đạo, nay thuộc địa phận huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Phần đất phía Tây có địa hình hiểm trở hơn, núi non trập trùng, gọi là Tây Sơn Thượng đạo, nay thuộc thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Đăk Pơ, Kbang (tỉnh Gia Lai).

Thời bấy giờ, khu vực trung tâm của Tây Sơn Thượng đạo là vùng đất tương đối bằng phẳng, rộng lớn, xung quanh là rừng rậm tạo nên bức tường thành vững chắc. Án ngữ phía Bắc là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Xa hơn về hướng tỉnh Kon Tum, giáp với xứ Quảng Nam là dãy núi Trụ Lĩnh trùng điệp, với đỉnh Ngọc Linh cao ngút trời xanh (hơn 3.000 mét), được coi là “nóc nhà Tây Nguyên”. Ngày ấy, từ vùng Tây Sơn Hạ đạo lên vùng Tây Sơn Thượng đạo chỉ có một lối đi duy nhất, với đèo cao, vực sâu vô cùng hiểm trở.

Với vị trị vô cùng đắc địa như vậy, vào năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chọn vùng đất Tây Sơn Thượng đạo để lập doanh trại, chiêu mộ binh sĩ và rèn quân tướng. Ở đây, buổi ban đầu, nghĩa quân Tây Sơn nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ ân tình của nhân dân tại chỗ, đặc biệt là đồng bào Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng… Đó là nguồn cung cấp nhân lực dồi dào cho phong trào khởi nghĩa nông dân áo vải cờ đào. Theo các nhà nghiên cứu phong trào Tây Sơn, chiếm giữ vùng Tây Sơn Thượng đạo, khi bị bao vây, nghĩa quân của Quang Trung – Nguyễn Huệ có thể phân tán vào rừng hoặc lúc cần thiết có thể vượt qua đèo Mang Yang (có nghĩa là cổng trời) để rút sâu vào đại ngàn Tây Nguyên.

Chính vì thế, suốt từ năm 1771, là năm nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu tụ họp cho đến năm 1773, năm nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, quân của Chúa Nguyễn chưa một lần dám tiến công vào căn cứ Tây Sơn Thượng đạo. Ở Tây Sơn Thượng đạo, theo nhiều con đường xuyên sơn khác có thể đi ra các tỉnh phía Bắc. Trong trận đánh đèo Hải Vân (giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng ngày nay) vào năm 1786, một bộ phận của nghĩa quân đã đi theo hướng này. Ở phía Nam, sông Ba và các con đường mòn dọc theo các sông, suối tạo thành nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng, nối liền Tây Sơn Thượng đạo với vựa lúa Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ.

Hơn 200 năm đã trôi qua, thời gian và chiến tranh ác liệt đã tàn phá vùng đất này, nhưng dấu vết của Tây Sơn Thượng đạo vẫn còn đó. Du khách đến thị xã An Khê vẫn có thể thấy được những dấu thành lũy xưa ở thôn An Lũy, nay thuộc phường Tây Sơn (thị xã An Khê). Đó là một hình 7 cạnh, gần giống như được chắp bằng 1 hình chữ nhật với 1 hình thang nhỏ, chu vi thành gần 2.000 mét. Cắt ngang một đoạn tương đối nguyên vẹn, thấy lũy được tạo bởi hai lớp tường đất dày, khoảng trên dưới 3 mét mỗi lớp. Chen giữa hai lớp đất là một đường hào để binh sĩ vận động. Trên mặt thành có tre gai ken dày.

Không chỉ thế, các di tích của căn cứ địa Tây Sơn Thượng đạo vẫn còn một khu vườn cam ở phía Đông thị xã An Khê, rộng 9 đến 10 ha, còn khá nhiều cây cam cổ thụ có gốc to người ôm không xuể. Tại xã Tú An (thị xã An Khê), có một cánh đồng rộng hàng chục ha mang tên cánh đồng Cô Hầu. Tương truyền Cô Hầu là một cô gái dân tộc Ba Na đã có công cung cấp voi, ngựa, lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn và là vợ lẽ của Nguyễn Nhạc (vì vậy gọi là cô Hầu)… Chính cô gái Ba Na đó đã tổ chức khai phá, lập ra cánh đồng Cô Hầu làm cơ sở sản xuất nuôi quân. Giữa cánh đồng có hòn Mộ Điểu, chim về trú ngụ rất đông. Nghĩa quân dùng hòn này để làm vọng gác canh giữ kẻ địch xâm nhập, trong coi thú dữ phá hoại mùa màng. Sau này khi Nguyễn Nhạc lên ngôi, hòn Mộ Điểu được đổi tên thành hòn Hoàng Đế. Ở chân đèo An Khê còn có hòn Yến, hòn Lãnh Lương, là nơi phát lương và khao quân cho nghĩa quân mỗi khi xuất trận.

Theo hai cụ Bùi Meo và Huỳnh Ngọc Chương, người dân lâu đời của thị xã An Khê, nay đã trên 80 tuổi (tổ tiên đã lập nghiệp tại An Khê được sáu đời), hiện ở An Khê có tới 13 di tích về phong trào Tây Sơn. Hiện nay ở thôn An Lũy, nhân dân địa phương vẫn tiến hành tế lễ Tây Sơn Tam Kiệt ở hai nơi, là An Khê đình và An Khê trường vào tháng 2 Âm lịch hàng năm. Ấy là ngày vua Quang Trung, sau khi đại thắng 20 vạn quân Thanh xâm lược, cho người chạy ngựa trạm về báo tin cho dân làng và truyền mở hội hát múa mừng chiến thắng. Còn hàng năm, vào mùng 4 Tết Nguyên đán, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Gia Lai đều long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Vua Quang Trung tại di tích An Khê trường, nằm trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo

Nỗ lực tôn tạo

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai, ngày 14-6-1991, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Với nhiều lý do khác nhau, từ năm 2006, Trung ương và địa phương mới có kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo một số hạng mục công trình trong quần thể di tích, với nguồn kinh phí khoảng 11 tỷ đồng, được trích từ ngân sách Trung ương. Tại thị xã An Khê, các ngành chức năng cũng đã tiến hành xây mới công trình Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo để lưu giữ, trưng bày, giới thiệu các hiện vật liên quan đến phong trào nông dân áo vải cờ đào trong những ngày đầu xây dựng cơ sở nuôi quân, luyện tướng ở vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, trước khi tiến về đồng bằng tiến hành cuộc khởi nghĩa trong cả nước. Việc xây dựng Bảo tàng cũng là để tưởng nhớ công lao vô cùng to lớn của ba anh em nhà Tây Sơn và nghĩa quân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Những năm gần đây, sau khi được tôn tạo, các di tích An Khê đình, An Khê trường, Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo đã là nơi để tổ chức các hoạt động về văn hóa như biểu diễn nghệ thuật cổ truyền gắn với sinh hoạt địa phương, như biểu diễn trống trận Tây Sơn Tây Sơn, biểu diễn võ thuật, biểu diễn cồng chiêng… Tại đây còn tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với phong trào Tây Sơn như Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (được tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng hàng năm); lễ hội dân gian gắn với các truyền thuyết về phong trào Tây Sơn; lễ tế ngày giỗ Tây Sơn tam kiệt… nhằm thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh đến dự.

Là một di tích văn hóa lịch sử đặc sắc của tỉnh Gia Lai, được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, Tây Sơn Thượng đạo ngày nay đang là một điểm nhấn ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến miền cao nguyên đầy nắng và gió mỗi dịp xuân về, Tết đến. Để có thể trở thành một điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan, ngành du lịch địa phương sẽ còn nhiều việc phải làm. Theo đó, Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai cần xây dựng tour du lịch có điểm đến quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo; xây dựng chương trình cụ thể để quảng bá hình ảnh và hoạt động của di tích; phối hợp với địa phương gắn phát huy di tích với phát triển du lịch và thương mại theo hướng bền vững…

Ông Huỳnh Văn Tâm – Bí thư Thị ủy An Khê khẳng định: hơn hai thế kỷ đã trôi qua, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo vẫn còn đó. Dù không được nguyên vẹn với thời gian nhưng Tây Sơn Thượng đạo vẫn là một vật chứng sống minh chứng về một thời kỳ lịch sử với bao chiến công vang dội, đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc.

(Tamnhin.net)