Cử tri TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh theo hướng:
- Mở rộng cho cá nhân kinh doanh có sử dụng thường xuyên từ 1 lao động trở lên, cá nhân kinh doanh có sử dụng hóa đơn thực hiện kê khai nộp thuế (kể cả trường hợp sử dụng hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền).
- Quy định trường hợp cá nhân thuộc diện phải kê khai, nộp thuế hàng tháng nhưng không chấp hành thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và trong lĩnh vực hóa đơn, đồng thời cơ quan thuế sẽ ấn định số tiền thuế phải nộp hàng tháng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri TPHCM như sau:
Để đáp ứng yêu cầu chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động (từ 10 lao động trở lên) nhưng chưa thành lập doanh nghiệp, vừa qua Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (có hiệu lực từ 1/11/2018); đồng thời Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó có nội dung áp dụng chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, theo đó các hộ kinh doanh lớn có trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo quy định.
Về kiến nghị của cử tri TPHCM, Bộ Tài chính xin ghi nhận để có bổ sung, sửa đổi cơ chế cho phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, nếu mở rộng cho hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 1 lao động trở lên thì phạm vi rất rộng, khó quản lý, chi phí quản lý thuế gia tăng mà không mang lại hiệu quả. Vì vậy nội dung này cần được cân nhắc kỹ, báo cáo Quốc hội quyết định.
Có nên tăng tỷ lệ khấu trừ thuế?
Cử tri TPHCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng tỷ lệ khấu trừ thuế (hiện đang áp dụng 10% đối với các khoản chi trả trên 2 triệu đồng) nhằm tránh tình trạng thất thu thuế đối với người có thu nhập cao, đồng thời cơ quan thuế không mất nhiều thời gian để kiểm tra, đôn đốc các trường hợp này.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN hiện đang áp dụng biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Đối với những trường hợp này, nếu cá nhân có thu nhập cao sẽ áp dụng biểu thuế lũy tiến 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Mức thuế suất 10% tính trên mỗi lần chi trả trên 2 triệu đồng chỉ áp dụng đối với các cá nhân có thu nhập vãng lai, không thường xuyên.
Theo số liệu quản lý thực tế trong thời gian qua thì trên 90% các trường hợp có thu nhập vãng lai, không thường xuyên đều ở mức thu nhập thấp chưa vượt quá bậc 2 (thuế suất 10%) của biểu thuế lũy tiến nên đã phát sinh nhiều trường hợp phải hoàn thuế gây áp lực cho các cơ quan thuế, đặc biệt là TP Hà Nội, TPHCM. Nếu tiếp tục tăng thuế suất khấu trừ đối với thu nhập vãng lai, không thường xuyên thì sẽ càng gia tăng áp lực hoàn thuế.
Đối với một tỷ lệ nhỏ cá nhân có thu nhập cao vượt quá bậc 2 (thuế suất 10%) của biểu thuế lũy tiến, cơ quan thuế có trách nhiệm đôn đốc cá nhân quyết toán thuế để xác định số thuế phải nộp thêm theo Biểu lũy tiến. Để hỗ trợ cơ quan thuế đôn đốc cá nhân có thu nhập cao thực hiện quyết toán thuế, đặc biệt là những cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, ngành thuế đã xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chức năng tổng hợp quyết toán đối với từng cá nhân để quản lý thu nhập của cá nhân trên toàn quốc.
Chinhphu.vn