Theo ông Nho, việc quy định thời gian đăng kiểm 6 tháng/lần đối với xe ô tô dưới 9 chỗ đã sản xuất trên 12 năm là không hợp lý, gây phiền hà cho người sử dụng. Việc đăng kiểm trên chỉ nên áp dụng cho xe chuyên dụng trong kinh doanh, còn xe cá nhân không kinh doanh chỉ nên quy định km lưu thông để tính đăng kiểm (xe kinh doanh và không kinh doanh hoạt động khác nhau).
Ông Nho đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT về thời gian đăng kiểm đối với các phương tiện cơ giới đường bộ, để phù hợp với điều kiện sử dụng thực tế.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Ô tô là sản phẩm hàng hóa nhóm 2 (liên quan đến an toàn) được Nhà nước quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đến lưu thông trên đường thông qua các văn bản: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, mã số QCVN 103:2019/BGTVT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo khuyến nghị của Tổ chức đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA), do ô tô được lắp ráp từ nhiều chi tiết, cụm chi tiết, hệ thống, tổng thành nên sẽ bị suy giảm chất lượng sử dụng theo thời gian.
Ví dụ: Đối với hệ thống phanh, dầu phanh sẽ bị lão hóa, các chi tiết cao su của hệ thống ống dẫn (ống mềm) bị lão hóa, nứt, phồng rộp; đối với hệ thống lái, hư hỏng chi tiết lắp ghép, phòng lỏng, vỡ vỏ bọc chắn bụi; đối với hệ thống điện, chiếu sáng, tín hiệu có thể hư hỏng, chạm chập; thân vỏ xe bị lão hóa bề mặt làm xuất hiện các vết rạn nứt; dầu máy động cơ thay đổi tính chất hóa, lý tính làm giảm độ nhớt; ắc quy tự tiêu hao điện, giảm tuổi thọ và nhiều các chi tiết nhựa bị lão hóa, giòn, cong vênh không kín khít…).
Do vậy, định kỳ phương tiện cần phải kiểm định chất lượng. Bên cạnh việc tự bảo dưỡng, sửa chữa, giữ gìn của chủ phương tiện trong suốt quá trình sử dụng thì việc kiểm định định kỳ là bắt buộc nhằm bảo đảm phương tiện khi tham gia giao thông trên đường vận hành an toàn.
Ô tô đến 9 chỗ ngồi nói riêng theo quy định sau 12 năm đều có những suy giảm nhất định về chất lượng, do vậy chu kỳ kiểm định cần được kiểm soát chặt chẽ hơn (6 tháng 1 lần).
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 1,7 triệu ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống (trong tổng số 2,4 triệu ô tô đến 9 chỗ ngồi trở xuống) đang tuân thủ chu kỳ kiểm định và tham gia kiểm định định kỳ đúng thời hạn. Qua các đợt kiểm định định kỳ đều phát hiện ra nhiều ô tô cần bảo dưỡng khắc phục các lỗi khiếm khuyết hư hỏng (trong đó tỷ lệ không đạt chung lần kiểm định 1 là 12,3% liên quan đến hệ thống phanh, hệ thống lái, bánh xe, khí xả và các hệ thống khác).
Trong thời gian vừa qua, các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã có nhiều cải cách nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm thời gian phải chờ đợi của khách hàng bằng các giải pháp: Hiện đại hóa cơ sở vật chất; đào tạo nâng cao kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho các đăng kiểm viên.
Tại Phú Yên hiện này đã có 2 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (1 Trung tâm thuộc Sở Giao thông vận tải Phú Yên và 1 Trung tâm thuộc doanh nghiệp tư nhân quản lý), trong thời gian tới theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, sẽ tiếp tục có thêm Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được đầu tư xây dựng, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân tại tỉnh Phú Yên.
Cục Đăng kiểm Việt Nam rất mong chủ phương tiện ủng hộ chính sách quản lý chung của Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.