Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cổ phần hóa là để tạo ra những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng lấy ví dụ cụ thể từ Tổng Công ty hóa chất Đức Giang (thuộc Tập đoàn Nhà nước), sau khi cổ phần hóa (Nhà nước chỉ còn giữ 20% cổ phần), từ một DN yếu kém đến nay Tổng công ty này đã phát triển mạnh, tự đầu tư thêm 6 nhà máy hóa chất, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
“Cổ phần hóa DNNN chính là để tạo ra DN hiệu quả, tạo ra động lực như vậy”, Thủ tướng nói.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, tính đến cuối tháng 9/2014 đã sắp xếp 92 doanh nghiệp, trong đó: Cổ phần hóa 71 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái 3.488 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, gấp 3,6 lần năm 2013. Tính chung số vốn đã thoái trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 đạt 4.453 tỷ đồng trên hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành...
Trong tháng 8-9/2014, một số tập đoàn, tổng công ty đã tổ chức bán đấu giá thành công cổ phần lần đầu ra công chúng và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (bán hết 90% số cổ phần); Công ty Thương mại và Dịch vụ Tân Sơn Nhất (giá bán gấp 2 lần giá khởi điểm); Tổng công ty xây dựng Thăng Long (giá bán gấp 2 lần giá khởi điểm)...
Những khó khăn, vướng mắc trong quá tình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DN cơ bản được giải quyết, tháo gỡ. Với tiến độ trên, dự kiến cuối năm 2014, có khoảng 200 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, từ nay đến cuối năm các Bộ ngành chủ quản phải khẩn trương phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với những DN đã xác định được giá trị.
Đối với những DN mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối cần phải mạnh dạn triển khai cổ phần hóa, Thủ tướng chỉ đạo.
Minh Khôi