Và thông thường, việc các cổ phiếu “siêu đầu cơ” đồng loạt tăng giá thường báo hiệu sự xuất hiện của dòng tiền đầu cơ. Đặc điểm của dòng tiền đầu cơ là chọn các cổ phiếu có hệ số beta và thanh khoản cao để “đánh nhanh rút nhanh”, do vậy rất hay tạo nên những sự thay đổi mang tính đột biến trên thị trường. Nhưng quan trọng nhất đó là, để hình thành nên một xu hướng tăng của thị trường thì không thể thiếu đi sự góp mặt và tham gia của dòng tiền đầu cơ.
Trở lại với phiên giao dịch ngày hôm nay, thời gian khớp lệnh chính thức kết thúc, GTN, QBS, SHN, VIX đồng loạt tăng hết biên độ cho phép. Đáng chú ý, đi kèm với đó là một khối lượng tương đối lớn dư mua ở mức giá trần. Diễn biến đặc biệt này ở nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong tâm lý nhà đầu tư, giúp họ tự tin hơn để tận dụng các cơ hội nhằm gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trên tài khoản của mình.
Chính nhờ vào lực cầu ổn định này, thị trường đã vững vàng vượt qua những giây phút điều chỉnh mặc dù áp lực cung tiềm năng phiên hôm nay được đánh giá là tương đối mạnh. Kết thúc phiên, VN-Index dừng lại tại mốc điểm 563, tăng 1,18 điểm (0,21%). Tổng thanh khoản toàn sàn đạt 108,2 triệu đơn vị tương ứng với giá trị 1.554,69 tỷ đồng. Số mã tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 130, 66 và 76.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên ở điểm số 80,25; tăng 0,7 điểm (0,88%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,21 triệu đơn vị tương đương với giá trị 519,11 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 121, 56 và 74.
Khối ngoại phiên hôm nay lại hành động ngược chiều nhau trên hai sàn TP. HCM và Hà Nội. Cụ thể, tại sàn HoSE, NĐTNN mua ròng với khối lượng 1,86 triệu đơn vị tương ứng với giá trị 50,56 tỷ đồng. Trong khi đó, bên HNX, khối ngoại lại bán ròng 279.475 đơn vị. Nhóm cổ phiếu được mua vào nhiều nhất trên quy mô toàn thị trường phiên này là SSI, HBC, STB, VSH, GTL, PGS và PGT. Ở chiều ngược lại, các mã bị bán ra mạnh nhất là SBT, VCB, OGC, SHB, PVS và PVG.
Hà Nguyễn