Dự thảo quy định cụ thể về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Theo đó, Tổng cục, Cục và tương đương thuộc 12 Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm:
1. Bộ Công Thương: Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
2. Bộ Giao thông vận tải: Cục Đường cao tốc Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Đường thuỷ nội địa.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng cục Thống kê.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Kiểm ngư, Cục Thủy lợi, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
7. Bộ Ngoại giao: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
8. Bộ Nội vụ: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ.
9. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Khí tượng – Thuỷ văn, Cục Địa chất và khoáng sản, Cục Môi trường, Cục Quản lý đất đai.
10. Bộ Tài chính: Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Kho bạc Nhà nước.
11. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục Báo chí, Cục Xuất bản, in và phát hành.
12. Bộ Y tế: Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám, chữa bệnh.
Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cục Hải quan; Cục Thuế; Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có bộ phận tham mưu về công tác thanh tra. Nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành được giao trong văn bản quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do Đoàn thanh tra thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thanh tra, quy định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và Nghị định này.
Hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra như sau:
a) Cuộc thanh tra do Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;
b) Cuộc thanh tra do Cục và tương đương thuộc Tổng cục tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.
Thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra quy định tại Điều 70 của Luật Thanh tra không tính vào thời hạn thanh tra.
Cuộc thanh tra được gia hạn trong trường hợp phức tạp theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Thanh tra; việc gia hạn thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra chuyên ngành quyết định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuyết Tan