Theo phản ánh của ông Hồng Quang (Lào Cai), Điều 10 Nghị định số 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Trong bộ thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, kể cả đơn xin cấp hoặc cấp lại đều ghi kính gửi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hoặc thẩm quyền phê duyệt đều ghi Giám đốc, không như thủ tục hành chính của các loại cấp chứng chỉ hành nghề khác. Ví dụ: Bộ thủ tục hành chính cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng chỉ ghi thẩm quyền cấp là cơ quan có thẩm quyền.
Ông Quang hỏi, đối với cấp Sở, thẩm quyền ký cấp chứng chỉ là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, có được ghi trên chứng chỉ cấp là "KT. Giám đốc/Phó Giám đốc" để ký vào giấy cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích không (trên giấy cấp chứng chỉ không ghi là Thừa lệnh (TL) hoặc Thừa ủy quyền (TUQ) của Giám đốc)? Như vậy thẩm quyền Phó Giám đốc Sở (KT. Giám đốc/Phó Giám đốc) ký trên giấy cấp chứng chỉ là đúng hay sai với Nghị định hoặc bộ thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích?
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: "Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 9 Nghị định này".
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định: "1. Sở thuộc UBND cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo Quy chế làm việc của UBND cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ".
Quy định về ký thay, ký thừa lệnh, ký ủy quyền trong văn bản hành chính được nêu tại Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư như sau:
Về ký thay, theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, chữ ký thay (KT.) được quy định như sau: "Đối với cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng".
Về ký thừa ủy quyền, Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP quy định: "Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền".
Về ký thừa lệnh, căn cứ Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao người đứng đầu đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức ký thừa lệnh một số loại văn bản. Người được ký thừa lệnh được giao lại cho cấp phó ký thay. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế làm việc hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức".
Căn cứ vào những quy định nêu trên, ông Hồng Quang nghiên cứu để đối chiếu cấp có thẩm quyền ký cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, áp dụng quy định cho phù hợp.
Chinhphu.vn