Ông Lý Hải Phong (Bình Dương) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung về hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT và các văn bản liên quan, cụ thể như sau:
- Khi xây dựng hồ sơ mời thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp thì ông phải sử dụng mẫu hồ sơ nào?
Ví dụ: Tại tỉnh A, đơn vị được ủy quyền tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung cho cả tỉnh (tỉnh A) tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung thuốc – vật tư y tế - hóa chất cho các đơn vị tuyến huyện (huyện 1, 2, 3…). Sau thời gian lựa chọn nhà thầu, tỉnh A ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trúng thầu (quyết định B).
Sau quá trình mua sắm hàng hóa theo quyết định B, do nhu cầu sử dụng thuốc – vật tư y tế - hóa chất của các huyện 1, 2, 3… tăng cao, số lượng hàng hóa theo quyết định B đã hết và tỉnh A chưa kịp tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi nên các huyện 1, 2, 3… muốn mua sắm trực tiếp hàng hóa này bằng quyết định B trên.
Vậy, các huyện 1, 2, 3… sử dụng quyết định B để tự thực hiện phát hành hồ sơ mua sắm trực tiếp cho đơn vị mình hay các huyện 1, 2, 3… gửi yêu cầu hàng hóa cần mua sắm trực tiếp về tỉnh để tỉnh A phát hành hồ sơ mua sắm trực tiếp cho các huyện 1, 2, 3…?
- Tại Điểm 1, Điều 24 Luật Đấu thầu về mua sắm trực tiếp quy định: “Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác”.
Ông Phong hỏi, “thuộc dự án, dự toán mua sắm khác” là như thế nào? Theo cách hiểu của ông về Điểm 1 này như sau: Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm, nghĩa là tỉnh A ra quyết định B, ông sử dụng quyết định B này mua sắm trực tiếp cho tỉnh A.
Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác, nghĩa là tỉnh A ra quyết định B nhưng trong quyết định B không có hàng hóa muốn mua ngay tại thời điểm thực hiện gói thầu (quyết định B còn hiệu lực) nhưng hàng hóa tương tự tỉnh A muốn mua đó có trong quyết định C (quyết định tỉnh C, còn hiệu lực). Ông sử dụng quyết định C này để phát hành hồ sơ mua sắm trực tiếp cho tỉnh A.
Vậy, cách hiểu của ông như trên là đúng hay không?
- Trường hợp ông ở tỉnh A, sử dụng quyết định trúng thầu của tỉnh B để áp dụng mua sắm trực tiếp các hàng hóa tương tự (quyết định của tỉnh B cung cấp các mặt hàng thuốc – vật tư y tế - hóa chất tương tự như hàng hóa tỉnh A đang sử dụng và có nhu cầu muốn mua. Quyết định của tỉnh B đã được duyệt, nhà thầu đã ký hợp đồng và hợp đồng đang thực hiện tốt, giá cả trúng thầu của hàng hóa đã được cơ quan có thẩm quyền tỉnh B phê duyệt nghĩa là hợp lệ).
Ông Phong hỏi, ông ở tỉnh A và sử dụng quyết định của tỉnh B để áp dụng lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp các hàng hóa tương tự đó cho tỉnh A có được hay không?
Vì theo cách hiểu của ông về Điều 24 Luật Đấu thầu là được do hàng hóa ông mua (thuốc – vật tư y tế - hóa chất) tương tự hàng hóa (thuốc – vật tư y tế - hóa chất) nhà thầu đó đang cung cấp cho tỉnh B thuộc dự án, dự toán mua sắm khác (theo Điều 24 Luật Đấu thầu), có quyết định phê duyệt nghĩa là hợp lệ.
Kết quả đấu thầu của tỉnh B là đấu thầu rộng rãi. Hàng hóa tương tự tỉnh A mua là < 130%. Đơn giá của hàng hóa tương tự đó là giá đã được tỉnh B phê duyệt. Hợp đồng của nhà thầu ký với tỉnh B còn hiệu lực 6 tháng (yêu cầu không quá 12 tháng). Vậy ông đã đáp ứng yêu cầu của Luật Đấu thầu và thực hiện được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Mua sắm trực tiếp được quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu, Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, đối với vật tư y tế, việc mua sắm trực tiếp thực hiện theo quy định nêu trên, trong đó có thể sử dụng kết quả mua sắm trực tiếp của gói thầu thuộc dự án, dự toán khác để làm cơ sở mua sắm trực tiếp.
Khi áp dụng mua sắm trực tiếp, bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng, đồng thời gói thầu được tổ chức đấu thầu trước đó được thực hiện trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả.
Trường hợp đủ điều kiện áp dụng mua sắm trực tiếp nhưng không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là minh bạch, hiệu quả kinh tế thì cần áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác có tính cạnh tranh cao hơn.
Ngoài ra, đối với nội dung đấu thầu thuốc, đấu thầu tập trung, đề nghị ông liên hệ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
Liên quan mẫu hồ sơ yêu cầu mua sắm trực tiếp, ở thời điểm hiện tại, ông có thể tham khảo các mẫu hồ sơ đấu thầu như hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu... để xây dựng hồ sơ yêu cầu mua sắm trực tiếp.