In bài viết

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có cả xe số tự động

(Chinhphu.vn) – Từ ngày 1/1/2013, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có xe số tự động (thuộc sở hữu hoặc hợp đồng), đảm bảo số giờ tập lái theo nội dung, chương trình đào tạo.

24/12/2012 17:32

Từ 1/1/2013, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có xe số tự động - Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thay thế Thông tư 07/2009/TT-BGTVT và Thông tư 15/2011/TT-BGTVT.

Ngoài việc phải có xe số tự động, Thông tư 46/2012/TT-BGTVT yêu cầu ô tô tải được đầu tư mới để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải là xe có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.

Nâng cao yêu cầu thời gian, số km thực hành lái xe

Thông tư 46/2012/TT-BGTVT cũng quy định tăng thời gian đào tạo, số km thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2, C. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 07/2009/TT-BGTVT hiện đang được áp dụng,  thời gian đào tạo hạng B1 là 536 giờ, thực hành lái xe 960km/học viên; hạng B2 là: 568 giờ, 960km/học viên; hạng C là: 888 giờ, 1000km/học viên. Theo quy định mới, thời gian đào tạo được nâng lên như sau: Hạng B1 là 556 giờ (tăng 20 giờ); hạng B2 là 588 giờ (tăng 20 giờ); hạng C là 920 giờ (tăng 32 giờ); số km thực hành lái xe/học viên đối với 3 hạng này cũng đồng loạt tăng đến 1.100 km.

Đến nay cả nước có  291 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 409 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 84 Trung tâm sát hạch lái xe với hơn 20.000 giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành 2 năm/lần thanh tra các Sở Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe trong toàn quốc. Các Sở Giao thông vận tải hàng năm kiểm tra cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe thuộc phạm vi quản lý; thực hiện chế độ giám sát các kỳ sát hạch lái xe.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe về cơ bản được các Sở Giao thông vận tải thực hiện theo quy định. Công tác đào tạo lái xe được các cơ sở công khai, minh bạch về nội dung, chương trình đào tạo; ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng đào tạo với người học lái xe ô tô, tổ chức thu học phí theo quy định; tổ chức quản lý đào tạo theo nội dung, chương trình của Bộ Giao thông vận tải; tổ chức kiểm tra hết môn, kiểm tra cuối khóa để cấp chứng chỉ tốt nghiệp và duy trì, quản lý, lưu hồ sơ theo quy định...

Đỗ Anh