In bài viết

Cơ sở SXKD thực phẩm phải lập hệ thống truy xuất nguồn gốc

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Đức, Giám đốc Hợp tác xã VietGAP Tân Thanh (Lâm Đồng) đề xuất một số giải pháp liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp để bảo đảm sản xuất nông nghiệp sạch.

05/07/2017 09:02

Theo ý kiến của ông Đức, cơ quan chức năng cần ban hành thông tư quy định theo hướng, đến năm 2019, 2022… các sản phẩm nông nghiệp bán trên thị trường phải truy xuất được nguồn gốc.

Quy định này sẽ bắt buộc người nông dân phải tham gia hợp tác xã (HTX), tổ hợp hoặc doanh nghiệp vì nếu sản xuất với quy mô nhỏ, tự phát sẽ không thể làm được việc này. Từ đây sản phẩm nông nghiệp mới được kiểm soát theo quy trình, được sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm nông nghiệp mới tạo ra được giá trị thực.

Việc toàn bộ người dân tham gia HTX thì sẽ quy hoạch được vùng nguyên liệu thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà HTX liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khi thực hiện được vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cần quản lý xuất xứ hàng hóa trên đường vận chuyển và nguồn gốc hàng khi đưa ra thị trường, còn chất lượng sản phẩm đã có các HTX quản lý trực tiếp tới từng hộ nông dân.

Theo ông Đức, đề xuất của ông cũng là nguyện vọng của nhiều HTX đã và đang liên kết sản xuất nông sản sạch. Do vậy, ông mong muốn cơ quan chức năng quan tâm đến đề xuất này và có giải pháp triển khai trong thực tiễn.

Về đề xuất của ông Đức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Cơ sở sản xuất đều phải lập hệ thống truy xuất nguồn gốc

Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định “việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn”.

Để tổ chức thực hiện quy định trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/1/2011 hướng dẫn triển khai việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm; sản phẩm sau mỗi công đoạn phải được dán nhãn hoặc được định dạng bằng một phương thức thích hợp để dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra nội dung truy xuất nguồn gốc của cơ sở sản xuất kinh doanh theo Thông tư số 45/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Như vậy, quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn đã được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đang được cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát.

Ghi nhãn – công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường

Một công cụ giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường đó là ghi nhãn sản phẩm.

Quy định về ghi nhãn sản phẩm thực phẩm đã được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn; Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn.

Trong hoạt động kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện kiểm soát.

Tuy nhiên, việc ghi nhãn không áp dụng đối với thực phẩm sơ chế, thực phẩm tươi sống được bán trực tiếp cho người tiêu dùng, thực phẩm bao gói đơn giản (bao gói không kín). Thực phẩm sản xuất chỉ nhằm mục đích xuất khẩu thì việc ghi nhãn phải bảo đảm không làm sai lệch bản chất của sản phẩm, không vi phạm pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu (theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT).

Ngoài ra, theo báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 của Đoàn Giám sát Quốc hội “Quy định trong Luật An toàn thực phẩm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm (Điểm e, Khoản 2, Điều 7; Điểm b, Khoản 2, Điều 8; Khoản 2, Điều 11; Điểm h, Khoản 1, Điều 22; Điều 54) quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (Điều 22) là chưa bảo đảm tính khả thi…”. “Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là đối với thực phẩm tươi sống. Với 8,6 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, trên gần 80 triệu thửa ruộng, chủ yếu sản phẩm ở dạng tươi sống, không có bao gói thì việc ghi chép, ghi nhãn, thông tin về sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Rau, quả, thịt, thủy sản tươi sống phần lớn chưa có nhãn, mác, thiếu dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm”.

Sẽ nhân rộng chuỗi sản xuất nông sản an toàn

Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh thiết lập và lựa chọn các công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” (Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013), ban hành quy định về xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016), trong đó có nội dung triển khai thí điểm tem điện tử truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm an toàn.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nhân rộng chuỗi sản xuất nông sản theo hướng an toàn có hiệu quả trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy liên kết sản xuất quy mô lớn, giảm dần sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng như tiếp tục có hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc thiết lập thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn của các cơ sở theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng cảm ơn những ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Thế Đức liên quan đến vấn đề này và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp trong thời gian tới.

Chinhphu.vn