Tuy nhiên, do nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam phát triển chưa lâu nên đang gặp một số trở ngại về con giống, công nghệ, thức ăn, phân phối dẫn đến giá thành sản xuất cá tầm trong nước còn cao, chịu sự canh tranh khốc liệt từ sản phẩm cá tầm từ Trung quốc.
Ngày 29/1/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 983/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính, trong văn bản nêu rõ: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 thì “Giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống”. Vì vậy, trứng cá tầm đã thụ tinh là giống thuỷ sản và phải được áp mã nhập khẩu là 0301.99.21 với mức thuế nhập khẩu là 0%.
Ngày 13/3/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ tài chính bổ sung vào Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 - Mã hàng: 05119920 Mục: Trứng tằm thành: Trứng tằm, các loại trứng nhân giống khác.
Ngày 12/4/2018, Bộ Tài chính có văn bản số 4247/BTC-CST, trong văn bản có nêu: “áp mã mặt hàng “Trứng cá tầm Xi-bê-ri, dùng nhân giống” thuộc nhóm 05.11 “các sản phẩm động vật khác chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, động vật chết thuộc Chương 1 hoặc Chương 3, không thích hợp sử dụng cho người” mã số 0511.91.00 “Sản phẩm từ cá hoặc động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác; động vật đã chết thuộc Chương 3” vẫn chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%”.
Quy định này đã gây nhiều khó khăn cho người nuôi, tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, hạn chế cạnh tranh, cũng như chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, tinh thần hỗ trợ của Chính phủ với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chưa phù hợp với các quy định hiện hành và thực tế sản xuất hiện nay.
Bên cạnh đó, năm 2017 là một năm vô cùng khó khăn với người nuôi cá tầm, do ảnh hưởng lũ sau bão số 12 (tháng 11/2017), một số doanh nghiệp, hộ nuội cá tầm tại các địa phương như Lâm Đồng, Đắc Lắc, bị thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV Phi Huỳnh thiệt hại gần 5 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Nếu thực hiện theo văn bản số 4247/BTC-CST, đồng nghĩa với việc Công ty sẽ bị truy thu thuế nhập khẩu cho mặt hàng trứng cá Tầm về làm giống, mà trước đây Công ty đã nhập và xác định trứng giống là mặt hàng được hưởng thuế suất 0%, số thuế phải truy thu có thể lên đến hàng trãm triệu đồng chưa kể tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp tiền thuế phát sinh kèm theo. Công ty đang khó khăn lại chồng tiếp khó khăn thậm chí dẫn tới phá sản.
Với những khó khăn nêu trên, qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị cơ quan chức năng xem xét giảm mức thuế nhập khẩu trứng cá tầm đề làm giống về mức 0% như các loại giống thủy sản khác đang áp dụng hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nuôi cá nước lạnh nói chung và nuôi cá tầm nói riêng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Ngày 12/4/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4247/BTC-CST trả lời về thuế nhập khẩu mặt hàng trứng cá tầm dùng để nhân giống. Theo đó mặt hàng trứng cá tầm dùng để nhân giống thuộc mã hàng 0511.91.90 có mức thuế suất ưu đãi MFN 5% quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và mức thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 0-5% quy định tại các Nghị định thực hiện Hiệp định thương mại tự do.
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13: Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Khoản 12 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Căn cứ để xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Căn cứ để xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần thiết nhập khẩu thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Công ty căn cứ quy định tại Khoản 12 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 18 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và thực tế hàng hóa nhập khẩu của Công ty để áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho phù hợp.
Đối với kiến nghị giảm thuế nhập khẩu MFN mặt hàng trứng cá tầm nhập khẩu dùng để nhân giống xuống 0%: Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị của Công ty để nghiên cứu, phối hợp với các Bộ ngành, báo cáo Chính, phủ khi sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.
Về mã hàng của mặt hàng trứng cá tầm dùng đề nhân giống, căn cứ quy định của pháp luật thuế và hải quan, ngày 12/4/2018, Bộ Tài chính đã có công văn số 4247/BTC-CST trả lời Công ty về mã hàng của mặt hàng trứng cá tầm dùng để nhân giống. Đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp với Tổng cục Hải quan để được giải đáp cụ thể về mã hàng của mặt hàng này.
Chinhphu.vn