In bài viết

Có thể thay cải tạo không giam giữ bằng lao động công ích?

(Chinhphu.vn) - Xét trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, việc bổ sung hình thức lao động công ích sẽ là cơ sở vững chắc cho Tòa án áp dụng khi tiến hành xét xử, đồng thời hạn chế việc phạt tù giam đối với loại tội ít nghiêm trọng và là phương pháp có tính nhân văn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta.

03/09/2015 14:25

Hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ là hai nội dung pháp lý được quy định tại Điều 28, Điều 29, Điều 31 và ở nhiều tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

Căn cứ khái niệm “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội”, thì có thể thấy hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ quy định hiện hành chưa phải là“biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất”. Bởi lẽ, cả hai loại hình phạt này chỉ như là những biện pháp hành chính chứ chưa thực sự mang tính chất trừng phạt.

Do tính răn đe không cao, không có ý nghĩa tác động mạnh vào ý thức người phạm tội, nên trong thực tiễn xét xử, các Tòa án ít khi áp dụng hai loại hình phạt này.

Án treo được quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự hiện hành và Điều 66 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nội dung trong Dự thảo lần này tuy có thay đổi, bổ sung những nghĩa vụ cụ thể cho người bị kết án nhưng cơ bản vẫn được xem như hình thức miễn hình phạt có điều kiện.

Do điều luật (Khoản 1) quy định chung chung, mang tính tùy nghi nên việc áp dụng ở nhiều nơi không thống nhất, sinh ra sự tùy tiện, lạm dụng và dễ phát sinh tiêu cực trong thực tiễn xét xử.

Từ sự phân tích trên đây cho thấy, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần bỏ quy định hình phạt cảnh cáo và hình thức phạt tù cho hưởng án treo, thay vào đó là hình phạt cải tạo không giam giữ bằng lao động công ích để quy định cho loại tội ít nghiêm trọng.

Nội dung cải tạo không giam giữ bằng lao động công ích là ấn định cho người bị kết án phải có nghĩa vụ lao động công ích tại nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc với một lượng thời gian nhất định trong quá trình cải tạo.

Lượng thời gian lao động công ích nên xác định bằng một phần tư thời gian cải tạo không giam giữ, người bị kết án phải thực hiện trong thời gian đó, nếu hết thời gian thụ án cải tạo không giam giữ mà bị án chưa thực hiện hết lượng thời gian lao động công ích thì không phải thực hiện tiếp.

Lượng thời gian lao động công ích cũng nên quy định được nộp tiền thay để sung vào công quỹ.

Theo xu hướng này, điều luật nên quy định các mức chuẩn cải tạo không giam giữ sau đây: Bốn tháng, trong đó có một tháng lao động công ích; tám tháng trong đó có hai tháng lao động công ích; mười sáu tháng, trong đó có bốn tháng lao động công ích và hai mươi bốn tháng, trong đó có sáu tháng lao động công ích.

Xét trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, hình phạt cải tạo không giam giữ được bổ sung hình thức lao động công ích sẽ là cơ sở vững chắc cho Tòa án áp dụng khi tiến hành xét xử, loại hình phạt này sẽ được thực hiện phổ biến, hạn chế việc phạt tù giam đối với loại tội ít nghiêm trọng và là phương pháp có tính nhân văn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta.

Luật sư Đoàn Công Thiện

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang