![]() |
Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh: VGP/Lan Anh |
Thưa ông, hiện tượng nêu trên gây nên những tác hại và ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Mạng xã hội là một hiện tượng xã hội chiếm phần quan trọng trong đời sống tinh thần của giới trẻ hiện nay. Số lượng người tham gia vào những trang mạng này khá đông đảo và phổ biến. Bên cạnh những tiện ích mà mạng xã hội đem lại là những hiện tượng tiêu cực, một trong những hiện tượng tiêu cực này là việc có một số đối tượng lợi dụng tính phổ biến, rộng rãi, lan truyền nhanh của mạng xã hội để biến những trang này thành những diễn đàn sex, quảng cáo thông tin môi giới, bán dâm… Điều này đã gây nhiều tác hại và ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Cụ thể, những tác hại và ảnh hưởng lớn là việc tiếp xúc những thông tin không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của giới trẻ, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên, dễ bị cám dỗ bởi những tác động bên ngoài; nhìn nhận xã hội ở góc độ eo hẹp, phiến diện không tiếp cận được các thông tin chính thống; tiếp tay cho hành vi đồi bại, vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật; nhận thức xã hội xấu; làm mất đi vẻ đẹp thuần phong mỹ tục, truyền thống, chất thuần việt vốn có của dân tộc.
Gần đây, trên nhiều địa chỉ Facebook, nhiều cá nhân tự quảng cáo bán dâm, đưa đầy đủ hình ảnh, giá tiền, số điện thoại, mật khẩu để khách hàng tiếp cận khi có nhu cầu. Xin luật sư cho biết luật pháp có thể xử lý được những hành vi trên không và hình thức xử lý như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Việc cá nhân tự quảng cáo bán dâm, đưa đầy đủ hình ảnh, giá tiền, số điện thoại, mật khẩu để khách hàng tiếp cận khi có nhu cầu là tiền đề cơ cở để thực hiện hoạt động bán dâm và mua dâm. Tuy nhiên, hành vi này chưa được coi là hành vi bán dâm theo quy định của Pháp lệnh 10/2003/PL-UBTVQH11 về phòng chống mại dâm “Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”, mà hành vi đó vi phạm thuần phong mỹ tục đã bị nghiêm cấm theo Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP “…tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Hành vi này sắp tới sẽ vi phạm quy định tại Điều 5, Nghị định 72/2013 có hiệu lực vào ngày 01/09/2013 “Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Chính vì vậy, hành vi này chưa đủ điều kiện để có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán dâm nhưng hoàn toàn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 “Các hành vi bị nghiêm cấm trong Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thì bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin”.
Như vậy, hành vi trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm a, khoản 5, Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin: “5. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm kích động mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục dân tộc”.
Điển hình như vụ việc trong tháng 4 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ Đỗ Thị Huyền, 20 tuổi, cư trú tại quận Hai Bà Trưng, vì cầm đầu đường dây giao dịch mại dâm qua mạng Internet. Cô gái này còn đưa cả hình ảnh của đồng nghiệp để “quảng cáo” trên mạng. Sự việc cho thấy thông qua mạng Internet (như chat yahoo, facebook, gmail…) Đỗ Thị Huyền đã tiến hành “mời gọi”, “giới thiệu”, “dẫn dắt”, “đặt lịch” cho khách và gái mại dâm gặp nhau để hai đối tượng này tiến hành mua bán dâm. Hành vi này của Huyền có dấu hiệu của “Tội môi giới mại dâm” theo quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự và có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố hình sự về tội này.
Không chỉ riêng gái bán dâm, cộng đồng mạng cũng đã truyền cho nhau thông tin, những trang mạng xã hội có quảng cáo bán dâm một cách gián tiếp. Bên cạnh những lời “giới thiệu”, “khách hàng” còn có những phần bình phẩm, nhận xét về thái độ, sắc đẹp. Thậm chí họ còn lập ra hội, nhóm, diễn đàn để các trao đổi với nhau và cho số điện thoại của gái mại dâm. Xin luật sư cho biết hành vi trên có vi phạm không? Cần phải có những biện pháp nào để ngăn chặn?
Luật sư Trương Anh Tú: Việc “khách hàng” giới thiệu, bình phẩm hay nhận xét về thái độ phục vụ, sắc đẹp của gái mại dâm, thậm chí còn lập hội, nhóm, diễn đàn để trao đổi các vấn đề liên quan được xem là hành vi trao đổi tuyên truyền cho loại dịch vụ nằm trong danh mục cấm theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, những người thực hiện các hành vi giới thiệu, bình phẩm này hiện tại cũng có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Luật đã quy định về việc xử lý vi phạm hành chính nhưng trên thực tế việc xử lý này không hề đơn giản bởi vì các vấn đề diễn ra trên mạng Internet luôn “rất ảo”, người sử dụng sẽ dễ dàng thay đổi tên tuổi, địa chỉ của mình trong khi nhân lực quản lý lại không đủ. Vì vậy, cần phải có những biện pháp mạnh để ngăn chặn các hành vi này như tuyên truyền phổ biến phổ biến các tư tưởng văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trên các trang thông tin trên mạng, nâng cao mức xử phạt hành chính và các biện pháp về mặt kỹ thuật để có thể chặn các trang web “đen” hoặc chỉ các đối tượng đủ điều kiện mới được truy cập vào các trang web này.
Trân trọng cảm ơn luật sư!
Lan Anh (thực hiện)