Trẻ uống vaccine phòng bại liệt OPV trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: nihe.org.vn. |
Đây là loại vaccine sống, giảm độc lực, tức là trong vaccine có một lượng vừa đủ virus bại liệt đã được giảm độc lực, không đủ khả năng gây bệnh, nhưng lại có khả năng kích thích cơ thể sinh miễn dịch phòng bệnh bại liệt.
Vaccine OPV hiện nay gồm tam liên, tức là phòng cả 3 tuýp virus (tuýp 1, tuýp 2, tuýp 3) gây bệnh bại liệt. Tuy nhiên, theo WHO, bệnh bại liệt do loại virus tuýp 2 đã được thanh toán tại rất nhiều quốc gia, đồng thời nghiên cứu mới nhất cho thấy, tại một số quốc gia (không có Việt Nam), loại virus tuýp 2 này trong vaccine OPV tam liên có thể là nguyên nhân gây nên một số trường hợp liệt mềm cấp sau tiêm chủng.
Chính vì vậy, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia quyết định loại bỏ virus tuýp 2 ra khỏi vaccine bại liệt OPV tam liên, đồng thời tiêm thêm mũi vaccine mới IPV khi trẻ 5 tháng tuổi.
IPV là vaccine bất hoạt, tức là trong vaccine có kháng nguyên từ những con virus bại liệt đã chết.
Việc tổ chức song song uống và tiêm vaccine bại liệt là những bước đi cần thiết để bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt mà chúng ta đã đạt được, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn thế giới.
Nguy cơ bệnh bại liệt ở vùng biên giới
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm virus trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang virus bại liệt. Bệnh có thể gây tàn tật suốt đời hoặc tử vong.
Nhờ việc triển khai vaccine bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, bởi dịch bệnh này vẫn có thể xuất hiện trở lại nếu trẻ em không được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, nhất là trong bối cảnh căn bệnh nguy hiểm này chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2015, trên thế giới đã ghi nhận 57 trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại và 20 trường hợp bại liệt có nguồn gốc vaccine.
Tại một số quốc gia Nam Á vẫn còn lưu hành bại liệt hoang dại, như Afghanistan đã có 16 trường hợp, Pakistan có 43 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp bệnh bại liệt có nguồn gốc vaccine.
Đặc biệt, trong năm nay cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh bại liệt ở quốc gia trong khu vực. Tất cả các ca bệnh đều được phát hiện tại những nơi có tỉ lệ uống vaccine bại liệt thấp trong nhiều năm qua với chỉ từ 40% đến 66% trẻ được uống 3 liều vaccine phòng bại liệt.
TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc duy trì miễn dịch cộng đồng với tỉ lệ uống vaccine bại liệt cao trên 95% là hết sức quan trọng trong phòng ngừa lây truyền virus bại liệt.
Để làm được điều đó, cùng với việc duy trì tỉ lệ uống đủ 3 liều vaccine bại liệt cho trẻ dưới một tuổi đạt trên 95%, các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa cần phải tổ chức uống bổ sung vaccine phòng bại liệt cho các đối tượng còn bỏ sót hoặc hoãn tiêm, nỗ lực để đảm bảo tất cả trẻ em dưới 5 tuổi đều được uống vaccine phòng bệnh bại liệt.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch
Theo thống kê, mỗi 20 giây có một trẻ chết vì căn bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Như vậy, vaccine giúp trẻ phòng bệnh, giảm chi phí gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cả xã hội, ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào lợi ích của vaccine, từ chối tiêm cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế. Điều này đã gây nên những hậu quả nặng nề cho xã hội. Trong thời gian vừa qua, do lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng, nên một số gia đình ở Hà Nội đã không đưa trẻ đi tiêm, khiến dịch ho gà xuất hiện tại thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Hay những bài học khác như sởi năm 2014, dịch bạch hầu làm chết 3 người ở Quảng Nam năm 2015 đều do không tiêm chủng. Trong khi đó, khi dịch bệnh bùng phát trở lại thì tất cả những ai chưa có miễn dịch do chưa từng nhiễm bệnh này trước đó, hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ đều có thể nhiễm bệnh. Người lớn ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, chứ không chỉ trẻ em chưa tiêm phòng mới ngã bệnh. Do đó, Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo: Phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván... vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, vì đây là thời điểm “vàng” để vaccine phát huy tối đa tác dụng bảo vệ sức khỏe trẻ. Lịch tiêm chủng 3 mũi vaccine Quinvaxem là 2, 3 và 4 tháng tuổi, nếu liều vaccine nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm lại vào thời gian sau đó. Khoảng các giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 của vaccine dịch vụ mà chưa tiêm đủ liều thì có thể quay trở lại tiêm vaccine Quinvaxem. Hiện vaccine Quinvaxem cung cấp đầy đủ tại khoảng 12.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Phụ huynh tuyệt đối không nên vì chờ đợi vaccine dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ, gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ, đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. |
Anh Kiên