In bài viết

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người khai thông mọi thế bế tắc

(Chinhphu.vn) - Với tác phong làm gì phải làm tới cùng, trực tiếp lăn xả chứ không chỉ tay năm ngón, trọn cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn đau đáu với những công trình lớn, với sự nghiệp lớn của đất nước, vì nước vì dân.

23/11/2022 17:07
Anh Sáu Dân: Trọn cuộc đời vì nước, vì dân - Ảnh 1.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: VGP/Hải Minh

Mỗi dịp gần đến ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lại xúc động nhớ về những kỷ niệm trong suốt quá trình được làm việc, công tác cùng ông. Thẳng thắn, cởi mở, chân tình là ấn tượng đầu tiên của ông Vũ Khoan khi được tiếp xúc với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những quyết sách chiến lược trong thế "ngàn cân treo sợi tóc"

Trong những giai đoạn lịch sử khi đất nước đang phải đối diện với vô vàn khó khăn, từ giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế như lạm phát tăng phi mã đến phá thế bị bao vây, cô lập… yêu cầu đặt ra là phải chống lạm phát, bình thường hoá quan hệ với các nước Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, giải quyết vấn đề Campuchia và lập quan hệ với một loạt đối tác mới, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ghi dấu ấn, tiên phong mở đường cho phong trào đổi mới, vì nước, vì dân.

Những câu chuyện, những hồi ức về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn in đậm trong tâm trí ông Vũ Khoan đã cho thấy tác phong làm việc khẳng khái, quyết liệt, giải quyết đến tận cùng của vấn đề trong bối cảnh khó khăn của đất nước đến sự sẻ chia, thấu hiểu và lắng nghe, không phân biệt cấp trên cấp dưới của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Anh Sáu Dân: Trọn cuộc đời vì nước, vì dân - Ảnh 2.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân ngành điện. Ảnh tư liệu

"Lần đầu tiên tôi được gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà chúng ta vẫn quen gọi với cái tên thân mật là anh Sáu Dân vào đầu những năm 1980 khi ông còn đang làm việc ở Thành ủy TPHCM. Khi đó anh Sáu Dân dẫn đầu Đoàn đại biểu của Thành ủy TPHCM sang thăm thành phố kết nghĩa Leningrad (trước là Saint-Petersburg) có đi qua TP. Moskva nơi tôi đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên của tôi và trong suốt cả chặng đường sau này được làm việc trực tiếp với anh là anh Sáu Dân đúng chất "anh hai Nam Bộ" rất thẳng thắng, cởi mở, thân thiện với anh em đồng chí", ông Vũ Khoan nhớ lại.

Ông Vũ Khoan về nước năm 1982 và làm việc ở Bộ Ngoại giao. Trải qua nhiều năm công tác khác nhau, khoảng trước và sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, ông giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, lúc bấy giờ tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, gian khổ, lạm phát lên đến 700-800% năm 1986. Tiểu ban Chống lạm phát của Chính phủ được thành lập, trong đó có tiểu ban Tiền tệ do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là tổ trưởng, thường xuyên có các cuộc họp để thảo luận, giải quyết những vấn đề về kinh tế. Thời điểm ấy có 2 vấn đề chính cần tập trung giải quyết là: Kinh tế và hòa bình cho Campuchia.

"Tôi được tham dự các cuộc họp đó và nhận thấy anh Sáu Dân với tư tưởng nhất quán là phải đổi mới thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc đó tranh luận rất gay gắt là một giá hay hai giá, trong Bộ Chính trị cũng có những đồng chí muốn giữ hai giá nhưng cũng có nhiều đồng chí muốn chuyển sang một giá. Lúc đó, các đồng chí Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Oanh kiên trì chuyển sang một giá. Điều đó cho thấy, trước đó trong Thành ủy TPHCM có ý kiến duy trì kinh tế thị trường, chủ trương từng bước chứ không cải tạo XHCN ồ ạt", ông Vũ Khoan chia sẻ.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: Khi ông Sáu Dân ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông rất kiên trì chủ trương đổi mới đó. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, xu hướng đổi mới bao trùm. Lúc bấy giờ ý tưởng về mở cửa đã dần hé, ông Sáu Dân ủng hộ mạnh mẽ. Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên ở nước ta được soạn thảo, trong đó có sự đóng góp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và cá nhân ông Võ Văn Kiệt. Đó chính là những bước đầu quán triệt tư tưởng đổi mới và mở cửa với bên ngoài.

Năm 1991, sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII, ông Võ Văn Kiệt trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Giai đoạn đó, quan trọng nhất là mở cửa với bên ngoài và vấn đề này, ông Sáu Dân có cách tiếp cận rất chiến lược.

Tác phong của anh Sáu Dân là phải làm tới cùng, trực tiếp lăn xả chứ không chỉ tay năm ngón.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Lúc đó đất nước chúng ta rất khó khăn, đặt chúng ta vào thế cấp bách phải thoát ra khỏi thế bao vây, cô lập, trước mắt là đi tới giải pháp chính trị cho Campuchia, đồng thời cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong một cuộc họp bàn về triển khai mở cửa với bên ngoài, ông Sáu Dân gọi ông Vũ Khoan ra một góc trao đổi để quyết xem thế nào có lợi nhất. Ông Sáu Dân gợi ý nên áp dụng sách lược "Hoa sen nở", trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á để tạo thế, sau đó bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Từ đó thiết lập quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, rồi vòng sang châu Âu. Từ những bước đó mới tạo thuận lợi để thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cấm vận với nước ta, tiến tới bình thường hóa quan hệ. Ông Sáu Dân "vẽ" ra rất đơn giản nhưng thể hiện tầm nhìn chiến lược cơ bản với sách lược khôn khéo. Sau đó hoạt động ngoại giao của chúng ta đã được triển khai theo hướng này.

Anh Sáu Dân: Trọn cuộc đời vì nước, vì dân - Ảnh 4.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe trình bày về quy hoạch Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất năm 1995. Ảnh tư liệu

Vị Thủ tướng "xắn tay áo" giải quyết tận gốc từng vấn đề

Ông Vũ Khoan cho biết, trong quá trình triển khai bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phá thế bao vây, cô lập, từng bước gia nhập ASEAN, có những tình huống gặp không ít khó khăn, nhất là đối với Mỹ.

Khoảng năm 1993-1994 xu hướng bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ ngày càng rõ ràng. Tuy nhiên, cũng nảy sinh một số vấn đề khúc mắc như nợ của chính quyền Sài Gòn cũ, theo luật quốc tế, khi đất nước thống nhất thì phải gánh nợ của chính quyền Sài Gòn; rồi vấn đề trụ sở của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt… đều được ông Sáu Dân "xắn tay áo" giải quyết. Tác phong của ông Sáu Dân là phải làm tới cùng, trực tiếp lăn xả chứ không chỉ tay năm ngón.

Giai đoạn năm 1995, khi các nước ASEAN ngỏ ý muốn kết nạp Việt Nam vào ASEAN. Trước bước ngoặt quan trọng như vậy và do còn những ý kiến chưa thống nhất, Tổng Bí thư Đỗ Mười giao tôi hỏi thêm ý kiến anh Sáu Dân, khi đó anh đang họp trong TPHCM. Tôi bay vào và sẽ bay từ TPHCM sang Bangkok nơi đang diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN bàn chuyện kết nạp Việt Nam có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đang tham dự. Tôi báo cáo có việc gấp cần gặp ông Sáu Dân để hỏi ý kiến về việc vào ASEAN. Ông Sáu Dân nói: "Tôi đã bảo vào từ lâu, cứ chập chững mãi, không lại mất cơ hội".

Mặc dù ông có ý mắng nhưng tôi lại thấy có một chỗ dựa. Ông Sáu Dân là người mạnh mẽ nhất trong hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực, không đi vào những tiểu tiết, chủ trương là như vậy và cứ thế thực hiện.

Anh Sáu Dân: Trọn cuộc đời vì nước, vì dân - Ảnh 5.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu. Ảnh tư liệu

Giao thiệp ngoại giao: Rõ vấn đề, rõ kết quả

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là đối với công tác đối ngoại, ông Sáu Dân có công rất lớn, quyết liệt trong việc đóng góp và trực tiếp tích cực thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; phá băng, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là đột phá quan hệ với các nước ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ…

"Từ đàm phán biên giới lãnh hải với Malaysia, trên biển với Thái Lan; trên biển, trên Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, ông đều trực tiếp trao đổi tháo gỡ, ngồi "lần mần" với tôi hàng giờ đồng hồ để xử lý khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Không có ông thì khó xử lý được", ông Vũ Khoan chia sẻ.

Trong đối ngoại, ông có đặc điểm là người thu hút mọi cảm tình của người đối diện, bằng những câu chuyện cụ thể trao đi đổi lại rất chân tình. Lúc bấy giờ, chúng ta mới mở cửa, tiếp xúc với những đối tác trước là kẻ thù nay gặp lại không phải dễ dàng nhưng ở cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn toát lên phong thái chân thành, cởi mở, khép lại quá khứ, mở ra tương lai, tạo nên quan hệ bạn bè thân thiết, không có khoảng cách.

Qua những lần gặp, tôi có cảm giác rất rõ là ông tạo nên tình thân không phải của một chính khách mà giữa con người với con người. Các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ như Thủ tướng Thái Lan Anand; Thủ tướng Malaysia Mahathia; Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong... về sau gặp đi gặp lại nhiều lần đều bày tỏ có cảm tình rất chân thành, không phải ngoại giao với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Phong cách Võ Văn Kiệt đã để lại sự nghiệp mang tính lịch sử, để lại lòng yêu mến đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Ông làm ngoại giao là áp sát, rất cụ thể, đi thẳng vào vấn đề. Trong gặp gỡ với Thủ tướng Singapore, ông bàn thẳng vấn đề xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu của Singapore ở Bình Dương.

Với Thủ tướng Malaysia Mahathia, ông nêu vấn đề hợp tác dầu khí và xây dựng khu chế xuất của Malaysia. Trong tiếp xúc với Thủ tướng Thái Lan Anand, ông đề nghị Thái Lan xem xét điều chỉnh chính sách hà khắc đối với Việt kiều. Bà con người Việt kiều tại Thái Lan ai cũng ghi nhớ công ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đối với Hoa Kỳ là quyết tâm bằng mọi cách bình thường hóa quan hệ, bằng mọi cách phải ký được Hiệp định Thương mại. Từ những nhận thức lớn đó, ông giải quyết những khúc mắc dù là nhỏ nhất trên con đường bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Vấn đề biên giới với Trung Quốc vướng nhiều điểm, có những điểm rất khó khăn, nhưng ông luôn trực tiếp giải quyết.

Đối với bất kỳ vấn đề gì ông đều trao đổi thẳng thắn và tháo gỡ bằng được. Đó là tác phong Võ Văn Kiệt. Nếu không có người lãnh đạo như vậy thì tiến độ công việc sẽ chậm đi. Với tầm nhìn chiến lược, đã quyết là làm, làm tới nơi tới chốn, làm thiết thực, lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người, chính  phong cách ấy đã để lại sự nghiệp mang tính lịch sử, để lại lòng yêu mến đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Anh Sáu Dân: Trọn cuộc đời vì nước, vì dân - Ảnh 7.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ bế mạc Liên hoan các chiến sĩ nhỏ Điện Biên xuất sắc toàn quốc 1994, tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

 

Cả cuộc đời đau đáu vì nước, vì dân

Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những "tổng công trình sư" của nhiều dự án lớn, táo bạo thời kỳ đổi mới đất nước như đường dây 500 kV Bắc-Nam; khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau; nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Với những công trình chiến lược ấy, lúc bấy giờ còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện đến cùng. Khi tôi đến ngôi nhà nhỏ của ông, phòng làm việc đầy sơ đồ đường dây 500 kV Bắc Nam, ông say mê chia sẻ mặc dù không phải chuyên ngành của tôi. Ông có những trăn trở, tâm huyết, thậm chí đến cuối đời, trước vấn đề biến đổi khí hậu.

Đến khi ông nghỉ công tác, trong một lần ra Hà Nội, ông gọi tôi đến hàn huyên trò chuyện rất lâu, ông đau đáu cho chuyến đi Hà Lan nghiên cứu kinh nghiệm để giải quyết chống ngập. Tôi không ngờ đó là cuộc gặp cuối cùng với ông, chỉ mấy ngày sau ông mất. Cả đời ông đau đáu với những công trình lớn, sự nghiệp lớn của đất nước.

Hay có một chuyện nhỏ, trước đó đón khách quốc tế, ta đón tại cửa Ngân hàng Nhà nước. Ông gọi tôi lên trao đổi phải tìm chỗ nào đón khách xứng tầm quốc gia chứ không đón giữa đường như vậy và không có biểu tượng gì. Ông gọi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Kiểm và tôi sang bàn việc cải tạo sân Phủ Chủ tịch. Sau này đất nước có chỗ đón các đoàn cấp cao đàng hoàng, trang trọng. Từ những việc nhỏ như vậy nói lên tầm nhìn, quyết tâm, phong cách của ông, không hề "sách vở" mà đi từ thực tế.

Trong phong cách của ông có đặc điểm là luôn lắng nghe. Với cán bộ như chúng tôi, ông luôn đặt mình ở thế bình đẳng, không phân biệt cấp trên, cấp dưới; không lấy cương vị của mình để áp đặt ý kiến với mọi người. Có những cuộc gặp gỡ trí thức, kể cả trong chính quyền Sài Gòn cũ, trí thức Việt kiều, ông đều trân trọng lắng nghe.

"Đối với ông, luôn nặng về tình cảm con người hơn là với tư cách nhà lãnh đạo, điều mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng có", ông Vũ Khoan bồi hồi chia sẻ./.

Diệp Anh-Hải Minh